Mồi Dango – Bí quyết câu cá Tráp đen xứ Phù Tang

Nov 11, 2016 09:20:44

Cùng họ với cá Tráp đỏ, linh vật của Nhật Bản, Cá Tráp biển đen (cá Hanh) lại có một hấp lực đáng kinh ngạc với những ai thích câu cá giải trí. Về hình thái, cá Tráp đen trông vô cùng dũng mãnh với thân thể màu đen sậm ở lưng làm nổi bật phần bụng sáng lấp lánh. Cá Tráp đen có chiều dài trung bình 50cm, trọng lượng 2 ki-lo-gam, sinh sống ở hầu hết các bờ biển Nhật bản, Anh, Úc Châu. Việt Nam ta cũng có rất nhiều. Người ta thích câu cá Tráp đen không chỉ vì thịt cá rất ngon, ngọt mà vì sự kiên cường của chúng khi mắc câu, luôn dương vây đối ứng với kẻ thù không hề sợ hãi. Người Nhật gọi chúng là Kurodai, nhiều vùng gọi là Chinu. Chinu cũng là tên của rất nhiều loại lưỡi câu của cả Nhật và nước khác.

Cá Tráp biển đen (cá Hanh) có một hấp lực đáng kinh ngạc với những ai thích câu cá giải trí

Thế giới đồ câu dành hẳn cả một lãnh địa cho cá Tráp nói chung và cá Tráp đen nói riêng, từ cần câu, máy câu, dây câu, mồi câu, kỹ thuật câu, rất chuyên biệt. Trong nhiều kỹ thuật câu loại cá này, nổi bật lên là kỹ thuật Kaijo Tsuribori, sử dụng mồi Dango, loại mồi bột bao lấy lưỡi câu và mồi câu dấu bên trong, tạo thành một bọc mồi hình tròn rồi quăng chìm xuống điểm câu. Câu kiểu này có hai công dụng rõ rệt: vừa ngăn được cá nhỏ rỉa hết mồi chính trên đường mồi xuống đáy vừa xả mồi đúng trọng điểm mà không bị tan sớm, thu hút hiệu quả cá tráp đến tập trung tại một khu vực cụ thể, nhờ thành phần mồi cùng kỹ thuật nhào mồi. Mồi bao này được làm theo công thức truyền thống gọi là Kisyu-Tsuri có từ thời Edo, cách đây khoảng bốn trăm năm, sử dụng cám gạo, cát làm mồi dụ cá Tráp đen. Tuy nhiên, ngày nay, thành phần mồi bao đã có nhiều thay đổi, ngoài cám gạo và cát vẫn là thành phần chính, còn có đất sét đỏ, bã đậu hoặc các loại mồi hổn hợp bán sẳn, rồi trộn theo tỷ lệ định sẳn Kisyu-Tsuri. Công thức pha trộn này thay đổi theo mùa.

Trong kỹ thuật Kaijo Tsuribori, có hai loại mồi:
- Mồi chính: là mồi gắn vào lưỡi câu (nằm giấu bên trong mồi bao). Mồi chính có thể là loài nhuyễn thể (trai, sò, ốc, hến, hàu, nghêu, mực, bạch tuộc); hoặc con nhộng; mồi bột viên lại từ các hổn hợp bán sẵn; mồi viên từ bột mì; các loại côn trùng sống… 

- Mồi bao ngoài mồi chính (Người Nhật gọi là mồi Dango, bí quyết của phương pháp) có thành phần và hàm lượng thay đổi theo mùa câu. Cụ thể như sau:

Mồi tiêu chuẩn:
Khi vo viên mồi bao, viên mồi phải chắc chắn nên cần phải có dụng cụ đo thật chính xác. Họ dùng tách đong loại 200CC và ca có giới hạn chia 1 lít.

Thành phần mồi chuẩn:
+ Cám gạo: 6 lít (khoảng 3 kg)
+ Con nhộng (rang khô, xay nhuyễn): 0.5kg
+ Bột lúa mạch: 200CC
+ Tôm nhỏ (loại người việt ta hay gọi là con ruốc, con moi hay con khuyết) loại này không có cũng được: 200CC
+ Cát khô (tốt nhất là rang trước khi dùng): 1.5-2L
+ Nước biển: (lấy ngay tại điểm câu): 300CC – nếu không sử dụng tôm nhỏ thì 500CC

Cách trộn:

Các bước trộn mồi

Mồi cho mùa hè
Sau những tháng mùa đông lạnh giá, mùa xuân tuy mát mẻ nhưng nước vẫn còn khá lạnh, bước sang hè, mọi động vật như căng tràn nhựa sống. Câu thủ cũng hào hứng hơn, cá cũng ăn rộ hơn nên cần phải chú ý mồi, đừng  hấp dẫn quá. Do đó trong thành phần của viên mồi Dango, người Nhật tránh cho vào các thức tươi như tôm nhỏ để tránh thu hút các loại cá họ không muốn câu đến phá mồi, xua cá tráp đen đi. Thành phần mồi bao cũng thay đổi như sau:

+ Cám gạo: 6 lít (khoảng 3 kg)
+ Con nhộng (rang khô, xay nhuyễn): 0.5kg
+ Bột lúa mạch: 200CC
+ Tôm nhỏ (con ruốc, con moi hay con khuyết): KHÔNG SỬ DỤNG
+ Cát khô (tốt nhất là rang trước khi dùng): 1.5-2L
+ Nước biển: 200CC
+ Cách trộn như trên

Mồi cho mùa đông, đầu xuân
Suốt mùa đông cho đến đầu xuân, cá hoạt động kém hẳn. Lượng cá xông xáo lao vào tấn công mồi bao cũng hiếm hoi. Vào mùa này, việc thu hút cá và làm cho mồi bao dễ vỡ hơn là vấn đề then chốt. Vì thế, thành phần của mồi bao cũng thay đổi, người Nhật thường cho thêm bã đậu khô đâm nhuyễn vào.

+ Cám gạo: 5 lít (khoảng 2.5 kg)
+ Con nhộng (rang khô, xay nhuyễn): 0.5kg
+ Bột bã đậu (Phần bã còn lại sau khi người ta đã hút tinh dầu): 1L
+ Bột lúa mạch: 200CC
+ Tôm nhỏ (con ruốc, con moi hay con khuyết): 400CC
+ Cát khô (tốt nhất là rang trước khi dùng): 1.5-2L
+ Nước biển: (lấy ngay tại điểm câu): 200CC
+ Cách trộn như trên

Kỹ thuật câu Kaijo Tsuribori, câu cá tráp đen với mồi bao Dango
Kỹ thuật KaijoTsuribori câu mồi bao Dango nhất quán từ mồi, phao, thẻo, cho đến điểm câu…rất khoa học, đậm chất Nhật Bản.

- Chọn điểm câu: Mồi bao Dango câu hữu dụng nhất là ở khu vực có đáy phẳng, nhiều cát. Tuyệt nhất là câu khi gió êm, mặt nước ít sóng, câu thủ chọn đứng xuôi theo chiều gió để thả mồi.

- Khi đến điểm câu, người câu trộn, nhào, viên mồi bao Dango trước khi cột thẻo. Họ dùng chính nước biển tại điểm câu để trộn mồi. Sau đó, họ ném 3-4 viên mồi vào một điểm, cách xa bờ vài mét, rồi cột thẻo mồi và ngồi chờ cá Tráp đen tụ đến.

- Thiết bị câu và thẻo câu:

Thiết bị câu căn bản: Cần rút dài 4.5-5.3m; Máy câu đứng (spinning); Lưỡi câu
Chinu loại # 0.5-2; Chì split shot số 8; Dây trục số 2.5


- Waggler: phao, có đánh dấu mực nước. Câu thủ Nhật Bản sử dụng nhiều loại phao trong kỹ thuật này, phổ biến nhất là loại phao tự đứng có gắn chì nhẹ ở đáy phao. Nhìn chung, phương pháp này yêu cầu phao phải có trọng lượng thích hợp, dễ sử dụng; dài và dễ thấy; nhạy; bền
- Snap-link Swivel: khoá nối, trượt tự do;
- Bluk shot: chì kẹp;
- Swivel: Khóa chống xoắn số 18;
- Hooklength: Dây ngọn (nối từ khoen đến lưỡi) dùng loại dây nylon hoặc tốt hơn là dây Fluoro Carbon. Size lưỡi và đường kính dây ngọn tùy theo điểm câu, địa hình câu. Ví dụ nếu câu ở ghềnh, khác với câu ở đầm, thường chạm phải những con Tráp rất khủng, hoặc các loại cá ngon khác như mú, chẽm, cá cháo… thì cần có size lưỡi lớn và dây ngọn chắc chắn hơn.

Hãng Varivas có bán loại lưỡi câu chuyên câu Kaijo Tsuribori (lưỡi Zeek ABL size 10,12) cột sẳn 1.2 mét dây ngọn Fluorocarbon đường kính 0.33mm và 0.40mm, có gắn loop (chống cá cắn đứt) rất tiện lợi, phù hợp với nhiều địa hình.

Bộ thẻo câu Kaijo Tsuribori Madai - Lưỡi Zeek ABL size: 10
 Dây ngọn 100% Fluoro Carbon dài 1.2m, Đường kính dây: 0.33mm; Số lượng: 04 thẻo/gói


Bộ thẻo câu Kaijo Tsuribori Madai - Lưỡi Zeek ABL size: 12
Dây ngọn 100% Fluoro Carbon dài 1.2m; Đường kính dây: 0.40mm; Số lượng 03 thẻo/gói 

- Sau khi móc xong thẻo, họ tiến hành đo độ sâu quanh điểm câu bằng cách dùng ống cao su buộc loại chì có lỗ nhỏ ở một đầu. Chiều dài ống cao su phù hợp với đường kính của viên mồi bao, và trọng lượng chì cũng phải phù hợp với trọng lượng của viên mồi.

 Cách đo độ sâu

- Điều chỉnh chiều dài dây từ phao đến lưỡi câu tương đương với độ sâu của nước. Căn phao sao cho đuôi phao chìm xuống nước từ 5 hoặc 10 cm tương đương khoảng cách của lưỡi câu nằm trong viên mồi Dango với đáy 5 hoặc 10cm. Chỉnh đúng khoảng cách từ phao đến lưỡi là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của kỹ thuật câu này.

- Bắt đầu câu: Sau khi căn phao xong là bắt đầu câu

Mô phỏng công dụng của Dango

- Lúc này viên mồi Dango đã được viên tròn, chắc chắn, bao ngoài lưỡi câu và mồi chính bên trong. Bán kính viên mồi từ 5-10cm tương ứng với khoảng cách từ đáy đến lưỡi câu đã căn phao. Ném viên mồi Dango vào điểm câu, chỗ này cũng cần có chút kỹ thuật, ném mồi Dango vào điểm câu thật cẩn thận, vào một điểm cố định, chính xác từng lần một.

- Khi thấy phao nhấp nháy liên tục, ấy là lúc cá đang rỉa mồi. Thấy phao trồi lên mặt, mồi Dango vỡ ra là có dấu hiệu cá tấn công mồi, người câu nên chờ. Nếu không thấy gì thì làm lại mồi và quăng mồi lại. Có rất nhiều kiểu tấn công thể hiện qua phao. Người câu luôn muốn dành lấy cơ hội nhưng cũng không nên vội vã, tránh nhầm lẫn, đánh nhanh, thắng gọn, hạn chế cá bơi đi, đánh động những con khác.

- Câu cá tráp thú vị ở chỗ, khi chúng mắc câu, toàn thân câu thủ, từ cánh tay, bàn chân, trái tim…tất cả đều vận động theo nhịp cần cong xuống, bật lên liên hồi, vô cùng cảm giác!

Vui vẻ, thách thức chính là điều cốt lõi của câu cá!

VietnamFishingReview
* Bài viết liên quan:
- Cá Tráp biển – Linh vật của Nhật Bản