Cá Chẽm, hay còn gọi là Vược, là một thợ săn vô cùng tài giỏi, một khi chúng đã kẹp chặt con mồi thì cơ hội trốn thoát là rất mong manh. Với phần lưng cực kỳ phát triển, tốc độ nhanh như chớp và tầm nhìn hiếm có, thật dễ dàng lý giải vì sao Chẽm/Vược luôn được xếp vào hàng ngũ những loài cá có khả năng săn mồi cao nhất.
Có kết cấu khá giống với mắt người, liệu Chẽm/Vược có thể nhìn thấy như chúng ta? |
Trước khi quyết định tấn công mồi, Chẽm/Vược phải mãn nhãn, vì thế thị trường mồi giả cũng vô cùng phong phú với vô số loại, màu hết sức sinh động, nhằm hỗ trợ cho người câu bắt cho được loài cá nổi tiếng thông mình này. Tuy nhiên, việc có quá nhiều loại mồi giả cùng màu sắc phong phú đã gây cho câu thủ không ít khó khăn. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra xoay quanh vấn đề màu nào hấp dẫn Chẽm/Vược nhất? Rõ ràng là muốn hấp dẫn được mục tiêu, con mồi phải lộ diện, nghĩa là phải cho Chẽm/Vược thấy được, vậy màu nào Chẽm/Vược thấy và không thấy? Trong phạm vi bài viết này chúng ta sẽ lần lượt xem xét vấn đề dựa trên nguyên lý về ánh sáng; tính chất phản xạ và hấp thụ cũng như thị giác của cá Chẽm/Vược…
Nhờ đâu Người và Cá có thể thấy được màu sắc của vật thể?
Nhiều người nói rằng các bản thiết kế mồi giả thời nay đều đặt mục tiêu “tóm” người câu trước rồi mới đến con cá, không hẳn vậy. Nghiên cứu khoa học cho thấy mắt cá Chẽm/Vược gần như tương tự với mắt người, nghĩa là chúng thấy được hầu hết các hình dạng, màu sắc của vật thể như chúng ta.
Nhờ đâu ta có thể thấy được vật thể và màu sắc của nó?Chính là nhờ ánh sáng. Ánh sáng là từ để chỉ các bức xạ điện từ có bước sóng nằm trong vùng quang phổ mà con người có thể thấy được bằng mắt thường (từ 390-750 nm). Trước một chùm ánh sáng trắng (ánh sáng do mặt trời tạo ra hay còn gọi là ánh nắng), mắt người, biểu thị như một lăng kính, sẽ phân tách chùm ánh sáng này thành các bước sóng dài, ngắn khác nhau, ngắn bao gồm màu xanh lá, xanh lam và tím (390nm) và dài gồm màu vàng, cam, đỏ (750nm). Loài Chẽm/Vược thấy được các tần số dao động từ 400nm đến 700nm, thấy hầu hết các màu sắc mà người thấy và cả các màu mà con người không thể thấy ở bước sóng cực cao là tia cực tím, tia X, tia gamma, hay thấp như vi sóng và sóng hồng ngoại.
Ánh sáng mặt trời chứa tất cả các gam màu, khi chiếu vào một vật thể, nó có thể bị phản xạ lại - con người sẽ nhìn thấy được màu của vật thể - hoặc bị hấp thụ đi - người sẽ không nhìn thấy được màu của vật. Ví dụ, trước một con cá giả crankbait, mắt người thấy nó màu đỏ vì nó phản xạ với bước sóng ánh sáng đỏ, còn các bước sóng khác bị hấp thụ hết . Nhìn thấy màu trắng là do chùm tia sáng chiếu vào vật bị phản xạ lại hầu hết, còn thấy màu đen là vì chùm tia sáng bị hấp thụ hầu hết hoặc hoàn toàn. Qui luật này gần như tương tự với loài cá Chẽm/Vược.
Sự hấp thụ và phản xạ ánh sáng mạnh hay yếu phụ thuộc vào độ trong của nước. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trong nước trong, sóng phản xạ chỉ mất đi 2%. Ánh sáng cũng mạnh hơn, xuống sâu hơn so với nước đục, bùn hoặc có nhiều thực vật phân hủy. Nước trong hấp thụ màu đỏ và cam trước, tiếp đến là màu vàng, xanh lá mạ, tím và cuối cùng là xanh lam (xanh biển). Các nhà sản xuất mồi giả chuyên nghiệp hiểu rất rõ điều này, họ vận dụng tối đa nguyên lý hấp thụ ánh sáng để tạo ra những con mồi gần như tàng hình ở một độ sâu nào đó. Nhiều nghiên cứu đã cho ra cùng một kết quả là màu đỏ sẽ bị hấp thụ mất 60% ở mực sâu 3m. Nếu xuống tới 10m thì các màu vàng, cam, đỏ sẽ mất đi khoảng 80%, hơn 10m (ánh sáng gần như không có) các màu hầu hết đều biến mất, kể cả màu xanh biển, chỉ còn lại một màu đen ngòm.
Nguyên lý hấp thụ này rất quan trọng với việc chọn màu lure, ví dụ mồi có hai màu đỏ, trắng rất hấp dẫn và nổi bật, nhưng trong mắt cá Chẽm/Vược, màu đỏ sẽ biến thành màu xám nhạt khi xuống đến một độ sâu nào đó. Mồi có hai màu trắng - đỏ luôn rất hiệu quả vì nó tương phản nhất trên bất kỳ màu nền nào của môi trường, vì thế, màu xám - trắng cũng mang hiệu quả tương tự.
Mồi có hai màu trắng - đỏ luôn rất hiệu quả vì nó tương phản trên bất kỳ màu nền nào |
Mặt nước dù phẳng lặng hay gợn sóng ít nhiều đều có ảnh hưởng đến lượng ánh sáng thâm nhập vào trong nước. Ánh sáng xuống đến một mực sâu nào đó thì không phản xạ nữa (hay nói cách khác là bị hấp thụ hoàn toàn), mắt người (và cả cá) chỉ nhìn thấy một màu đen ngòm, và cũng giống như con người cá không thể thấy màu sắc trong bóng tối hoặc yếu sáng.
Màu sắc qua góc nhìn của Chẽm/Vược
Cá Chẽm/Vược dùng mắt để quan sát không gian quanh nó, quan sát các chuyển động và xác định hình dạng, kích thước, trạng thái, màu sắc của sự vật. Mắt của cá Chẽm/Vược tương tự như mắt người, nghĩa là có một giác mạc (lớp phủ ngoài), đồng tử (khe hở cho ánh sáng đi qua), thủy tinh thể (để điều chỉnh hình ảnh), võng mạc chứa tế bào hình trụ và hình nón (nhận hình ảnh từ võng mạc) và dây thần kinh thị giác (để chuyển hình ảnh đến não). Khi ánh sáng chiếu vào võng mạc, các tín hiệu được gửi đến não thông qua các dây thần kinh thị giác và được phân tích. Não cá nhận biết, còn mắt thì thu thập thông tin.
Như vậy, so với mắt người, cấu trúc mắt của cá Chẽm/Vược chỉ thiếu mi mắt vì luôn được nước che phủ. Cá nói chung và loài Chẽm/Vược nói riêng có khả năng tập trung và khuếch đại ánh sáng trên võng mạc nhờ nhãn cầu hình dạng tròn có mô rất dày. Võng mạc ở mắt cá chứa tế bào hình nón và hình trụ. Tuy nhạy sáng hơn tế bào hình nón nhưng tế bào hình trụ chỉ giúp cá nhận biết được hai màu là đen và trắng, trong khi tế bào hình nón cảm nhận được hết các màu sắc còn lại, đồng thời cho ra những hình ảnh rất rõ nét.
Tế bào hình trụ và hình nón ở cá Chẽm/Vược có chức năng hoán đổi cảm nhận về màu sắc. Vào ban ngày, điều kiện ánh sáng bình thường, hoạt động ở mắt cá cho thấy các tế bào hình trụ thu hẹp lại còn tế bào hình nón thì nở ra, các hạt sắc tố di chuyển về bao bọc tế bào hình trụ để bảo vệ nó tránh ánh sáng. Khi ánh sáng yếu đi (sáng sớm, chiều muộn và tối), các hạt sắc tố thu lại nhường chỗ cho tế bào hình trụ lộ ra, phát triển lớn hơn để nhận thêm ánh sáng. Quá trình chuyển đổi này xảy ra trong một giờ đồng hồ và đó là lý do tại sao cá Chẽm/Vược thích và tích cực kiếm tìm những con cá nhỏ vào lúc sáng sớm hay chạng vạng tối, vì ở thời điểm này, mắt cá Chẽm/Vược thích nghi nhanh với ánh sáng đang chuyển đổi hơn là các loại cá nhỏ. Thị giác của chúng cũng vượt trội hơn hẳn.
TD Minnow 95SP luôn phù hợp để câu Chẽm/Vược lúc sáng sớm hay chiều tối nhờ sự nhỏ nhắn, màu sắc tương phản hợp lý trong ánh sáng yếu |
Loài cá Chẽm/Vược rất có tầm nhìn và có khả năng phân biệt màu sắc nhưng không phải những gì con người thấy chúng đều thấy được. Con người có ba sắc tố nhạy sáng là đỏ, xanh lá và màu xanh lam nhưng Chẽm/Vược chỉ có hai màu là màu đỏ và màu xanh lá. Do không có sắc tố màu xanh lam (blue), Chẽm/ Vược không nhìn thấy màu xanh lam hoặc tím, đây là điều quan trọng cần lưu ý khi mua mồi lure có chứa những màu trên vì chúng sẽ nhìn hai màu này ra màu xám và đen.
Mắt cá Chẽm/Vược nhìn rõ các chuyển động cùng sự tương phản ánh sáng nhưng về hình dạng chi tiết thì lờ mờ. Điều này giải thích tại sao vào những lúc ánh sáng yếu như sáng sớm hay chập choạng tối, mồi giả càng tương phản với ánh sáng càng dễ nhận thấy (đã nói rõ ở các bài trước). Cũng như màu đen là màu tốt nhất để câu đêm vì nó có bóng dáng rõ nét nhất trên nền nước sáng phản chiếu từ ánh trăng (hoặc đèn).Tương tự, vào những ngày nắng chói chang, nước trong vắt mà chọn màu sáng lấp lánh thì lại kém hiệu quả.
VietnamFishingReview
Bài viết liên quan:
- Nguyên tắc chọn màu mồi lure Chẽm (Vược)