Tôi đi câu Jig (Bài 11: Thay cho lời kết)

Oct 26, 2013 03:18:22

Tôi có nhiều bạn là người ngoại quốc, đa số là người phương tây. Nhiều lần đưa bạn đi tham quan một số nơi trên đất nước mình, tôi cố tìm hiểu xem họ muốn quan sát điều gì: Ánh mắt họ lướt qua những bà lão ở độ tuổi gần đất xa trời đang gồng người gánh bán hàng rong trên phố; cố tránh nhìn vào mắt những đứa bé ăn xin tóc rối bời không bao giờ chải gội; và giơ máy chụp ảnh những dòng xe máy giăng như mắc cửi, những lô cốt dựng vội trên đường như những bong ke thời thế chiến II… Thấy tôi ái ngại, họ nói rằng những hình ảnh này họ thấy ở nhiều nước khác nữa chứ không riêng gì ở Việt Nam và họ luôn chuẩn bị tinh thần để đón nhận khi đến các nước đang phát triển.

Một lão ngư Việt Nam nhỏ bé trên đại dương bao la

Người  Phương Tây (từ gọi đến những người của xã hội được nhìn nhận là rất phát triển như Anh, Mỹ, Úc…) đa phần đều cho là những thiết chế trong xã hội của họ luôn hoàn hảo hơn các nước đang phát triển. Ở những nơi như Châu Phi, Đông Nam Á, Ấn Độ và cả Trung Quốc là thế giới của những câu chuyện độc đáo, ly kỳ… Và chuyện xoay quanh vấn đề bắt cá bằng thuốc nổ, hóa chất hay về sự tự do không có một rào cản nào trong việc bảo vệ cá và môi trường ở Việt Nam là một trong những câu chuyện như vậy! Trong suy nghĩ của họ, câu thủ Việt Nam hiện vẫn còn loay hoay với kiểu câu truyền thống như câu cắm, câu giăng… nên khi nghe tôi đề cập đến các môn câu thể thao, họ vô cùng kinh ngạc. Trước con mắt tròn vo, nghi ngờ của những người bạn da trắng tóc vàng, tôi không khỏi chạnh lòng.

Phong cách thể thao của câu thủ Việt Nam trên báo chí nước ngoài.
Trong ảnh là nhóm câu Jigging Việt Nam trên tạp chí Rod & Line, Malaysia, xuất bản T10/2013

Câu cá thể thao đã xuất hiện trên trái đất này từ lâu lắm rồi. Ngay sau khi có phát minh máy in và ngành xuất bản, năm 1496 nữ tu Dame Juliana Berner đã xuất bản một quyển sách mô tả chi tiết các địa điểm câu cá; cách chế tác cần câu, dây câu; cách sử dụng mồi sống, mồi nhân tạo (ruồi giả - tiền thân của môn câu Fly). Và quan trọng hơn cả là tập trung kêu gọi cộng đồng cùng quan tâm, cùng chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Từ đó về sau, rất nhiều đầu sách đã ra đời, trong đó có tác phẩm trứ danh là Compleat Angler, cổ vũ cho các phương thức câu cá gắn liền với văn hóa dân gian; phổ biến thơ, nhạc, họa, công thức nấu nướng và những giai thoại về đạo đức trong câu cá. Nhân vật chính Piscator là một nhà vô địch về nghệ thuật câu cá, ông hiện thân cho phong cách câu cá thể thao, yêu chuộng sự thanh bình, tao nhã cùng bằng hữu thưởng thức những niềm vui, tình bạn, sự ấm áp qua lời nói, câu hát, thức ăn ngon và những vũ điệu…

Câu cá thể thao vốn dành cho giới quí tộc nay phát triển thành môn chơi kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học đã mang lại cho nhân loại nhiều bước tiến đáng kể cả trong công nghệ lẫn văn hóa. Việt Nam có lợi thế đi lên từ một nước nông nghiệp, hầu hết câu thủ đều xuất thân từ đồng nước, ao làng. Với nhiều người, việc cầm cần câu có thể được thực hiện trước cả cầm bút nghiên.

Trước một xã hội câu cá thu nhỏ hiện còn nhiều điều đáng suy ngẫm: Thói quen tận diệt, bắt cá cho kỳ hết bất kể nhỏ to của một số bộ phận; Thái độ cạnh tranh thiếu lành mạnh, phi thể thao ở các giải đấu; Đâu đó vẫn nghe về những trận nổ mìn giết cá hay thả hóa chất cho cá nổi hàng loạt hòng dễ bề thu gom, bất chấp hậu quả, khiến cho tất cả những ai yêu mến nét thanh tao nho nhã của câu cá, yêu con cá, yêu thiên nhiên tươi đẹp phải kinh ngạc, đau đớn và hoang mang...

Trong thời gian tìm tư liệu viết chuỗi bài Jigging này, tôi đã vô cùng ấn tượng trước kỹ năng và trách nhiệm của câu thủ Quốc Tế cùng những chế tài nghiêm khắc nhưng hợp lý của chính quyền sở tại. Hình ảnh các câu thủ tuân thủ tuyệt đối các qui định, luôn mong muốn phóng thích cá sau khi câu... thật sự là những hình ảnh đẹp và đáng trân trọng. Tôi tin rằng, tất cả chúng ta, những câu thủ Việt Nam, không hề muốn thua kém bạn bè trên thế giới về ý thức trách nhiệm. Xin đừng nghĩ đến các qui tắc chưa lập thành văn bản, xin đừng vin vào bất cứ lý do gì mà hãy lắng nghe chính mình, hãy nhận ra sự giới hạn để nghiêm khắc tự điều chỉnh và dũng cảm nhắc nhở người khác cùng điều chỉnh. Có như vậy chúng ta mới có hy vọng vào một tương lai của câu cá - được phát triển và được tôn vinh.

Hoàng Quốc Trí

VietnamFishingReview

Bài viết liên quan:
-
Tôi đi câu Jig (Bài 1: Bài mở đầu)
- Tôi đi câu Jig (Bài 2: Tại sao kỹ thuật Jigging tốc độ cao lại chú trọng yếu tố giật nhanh?)
- Tôi đi câu Jig (Bài 3: Thế nào là Jigging chậm?)
- Tôi đi câu Jig (Bài 4: 03 biến thể chính của Jigging chậm)
- Tôi đi câu Jig (Bài 5: Thiết kế đồ nghề cho Jigging chậm)
- Tôi đi câu Jig (Bài 6: Lưỡi và mồi Jig)
- Tôi đi câu Jig (Bài 7: Màu Jig nào hiệu quả nhất?)
- Tôi đi câu Jig (Bài 8: Những câu hỏi liên quan đến trọng lượng mồi Jig và cần câu)
- Tôi đi câu Jig (Bài 9: Thủy triều, dòng chảy và sự phối hợp với các kỹ thuật Jigging khác)
- Tôi đi câu Jig (Bài 10: Chiến thuật giao tranh)