Tôi đi câu Jig (Bài 10: Chiến thuật giao tranh)

Oct 24, 2013 11:02:34

Nếu so với Jigging tốc độ nhanh thì câu Jigging chậm, cá tấn công Jig nhiều hơn nhưng nguy cơ mất cá cũng nhiều hơn nếu không lường hết được toàn cục. Câu Jigging chậm nghĩa là câu thủ dùng dụng cụ câu rất nhẹ, không thể chế ngự được cá để nâng nó lên; mồi Jig luôn bị tấn công ở khu vực sát đáy nên cá có cơ hội lủi vào hang… Những đặc điểm này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chiến thuật giao đấu.

Mô phỏng 03 giai đoạn trong chiến thuật dòng cá

Chiến thuật dòng cá theo phương pháp Jigging chậm cơ bản được chia làm 03 giai đoạn tính từ lúc đóng cá đến lúc dòng cá.    

Giai đoạn I: Tầng đáy từ 5-15 mét
Khu vực này Jig bị tấn công nhiều nhất. Việc quan trọng là làm sao để ngăn không cho cá tháo chạy vào rạn sau khi mắc câu. Thông thường cá Mú, Hồng Bạc sẽ lao thẳng vào xuống đáy hoặc lách vào các khe đá, hang vách và nằm im trong đó. Dây PE hoặc dây ngọn mà bị cứa vào vách hang, rạn đá thì coi như xong. Khi con cá chạy vào trong hang sẽ cố thủ tại đó, dù dây PE hoặc dây ngọn không chạm vào vách đá thì câu thủ cũng khó mà lôi chúng ra được. Các tay câu chuyên nghiệp luôn phải đếm số lượt giật để biết họ và cá đang cách đáy bao xa. Nếu biết được con số chính xác là bao nhiêu, họ sẽ quyết định nên hãm một lực bao nhiêu để chặn con cá lại.

Câu thủ phải tập trung cao độ. Nếu khống chế được cú chạy đầu tiên và thứ hai của con cá, đồng thời nâng được nó lên khỏi đáy 10-15m thì sẽ ra khỏi khu vực được cho là  nguy hiểm vào bậc nhất này.

Tôi đã rất may mắn khi Jig được con cá Hồng Bạc này

Nếu câu thủ may mắn móc được cá lớn ở gần đáy, họ chỉ có 02 lựa chọn: Một là tìm cách ngăn cá chạy và cầu nguyện cho lưỡi câu, nút thắt, khoen, dây trục, dây ngọn và cả sức mạnh của cơ thể có thể chống lại được sức mạnh của cá. Hai là nới lỏng bộ hãm dây để cho dây thông thoáng, vì dây PE quá căng sẽ đứt ngay lập tức nếu chạm vào bất kỳ vật cứng sắc nào. Nên để cho con cá tự do một chút. Nó bơi ngang ra xa thì lôi nó trở lại trận chiến một lần nữa. Dĩ nhiên là câu thủ phải lường trước được nguy cơ cá lợi dụng sự lỏng lẻo để chạy vào rạn hoặc dây PE, dây ngọn bị cứa vào gờ, mép rạn khi kéo căng dây lôi cá trở lại. Câu thủ phải đưa ra sự lựa chọn chỉ trong một vài giây.

Nếu cá bị mắc câu ở sát đáy? Không gì có thể di chuyển được nó. Một con cá nhỏ cũng có thể gây khó khăn cho câu thủ nếu chúng bám vào khe đá. Lúc này đừng cố lôi nó ra vì chỉ gây tổn hại cho dây trục và dây ngọn mà thôi. Tất cả những gì có thể làm là chờ đợi; Giữ dây trong tay, dây không cần quá căng nhưng phải tập trung để cảm nhận cho được khi nào con cá bắt đầu rời nơi cố thủ. Ông Sato nói rằng con cá sẽ rời khỏi chỗ trốn ít nhất một lần để tìm chỗ khác tốt hơn. Khi câu thủ cảm thấy con cá bắt đầu dời đi, hãy lấy hết sức bình sinh vừa quay máy thu dây vừa kéo bật cá ra khỏi chỗ nấp, nếu không cá sẽ lôi tuột dây chạy vào chỗ trốn khác và dây ngọn có thể không còn đủ sức chịu đựng được nữa. Sau khi cá đã ra khỏi đáy, câu thủ có thể kéo nó dễ dàng và hãy nới lỏng bộ hãm dây bởi vì dây ngọn đã có thể bị hư hại. Con cá bắt được này sẽ là một con cá đáy, loại cá không thể giao đấu lâu nhưng lại rất lớn.

Tôi đã làm điều này vài lần. Tôi tóm được con cá sau một thời gian dài chờ nó dịch chuyển, và cảm giác thắng trận trong cuộc đấu trí này thật khó tả.

Các chuyên gia khuyên rằng cố gắng đóng cá cách đáy càng xa càng tốt bằng cách quay thu dây từ 5-10 vòng sau khi Jig chạm đáy. Khi đó con mồi sẽ đi lên và cách đáy từ 3-6 mét. Làm điều này để cá không có cơ hội táp mồi ở sát đáy, thêm vào đó, sự nâng lên rất nhanh của con Jig sẽ gây chú ý cho cá khiến chúng quyết tâm đuổi theo cho kỳ được. Cách này cũng giúp thu lại phần dây chùng đã bị nới lỏng trong quá trình thả mồi xuống giúp cho Jig di chuyển mạnh hơn ở chu kỳ tiếp theo.

Ý kiến của chuyên gia cơ bản là vậy, nhưng vì mức nước ở Côn Đảo trung bình chỉ khoảng 40– 50 mét nên tôi phải điều chỉnh số vòng thu dây cho hợp lý. Vì vừa câu vừa nghiên cứu nên tôi rất tập trung và cảm nhận được thời điểm cá đuổi theo Jig và cố gắng táp mồi. Đó là những lúc máy đang ở tốc độ cao khoảng 2-4 vòng quay, tôi cố gắng lái con Jig tránh xa con cá đang lao tới rồi giật chậm lại (bằng cách thay đổi mỗi cú giật chỉ còn ½ vòng quay) để tạo điều kiện cho con cá táp mồi. Khi cá táp (sau 1-2 cú giật chậm), tôi có lợi thế hơn vì đã đưa nó ra khỏi vùng nguy hiểm.  

Khu vực II: Giữa tầng nước
Câu thủ nên tiếp tục quay máy một cách chắc tay và bình tĩnh. Ở khu vực này không có đá để có thể cứa đứt dây câu, không có trọng lực để thay đổi trạng thái căng của dây, cũng không có sự vội vàng gấp rút. Nếu con cá chạy thì cứ để dây tuôn ra, đừng kéo mạnh và cũng đừng nới lỏng.

Chỉ có một nguy cơ là nếu cuộc giao chiến kéo dài quá lâu, lưỡi câu cùng các nút thắt nhiều khả năng bị lung lay và yếu đi; dụng cụ câu nhỏ sẽ mất nhiều thời gian quay thu dây. Điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh, nâng cần lên thật vững vàng. Lưu ý việc chỉnh nút hãm, không quá chặt mà cũng không quá lỏng.

Khu vực III: Gần mặt nước
Đây là khu vực nguy hiểm thứ hai và rất dễ mất cá. Lúc này, dây câu rất ngắn, một cử động nhỏ của con cá cũng tác động mạnh đến toàn hệ thống của câu thủ: Lưỡi câu có thể bong ra; nút thắt có thể tuột hoặc đứt;  bất kỳ thành phần nào đã bị tổn thương đều có thể gãy, vỡ… Thời điểm ra khỏi nước, dây sẽ mất đi sự kháng nước và tiếp nhận trọng lực, khi con cá kháng cự, một phần cơ thể nặng nề của nó làm vỡ toang mặt nước sẽ tác động và làm thay đổi sức căng dây. Nếu nghĩ rằng độ đóng lưỡi là chưa đủ an toàn, hoặc cuộc giao tranh đã quá dài, dây đã có thể bị tổn thương, câu thủ nên nới lỏng nút hãm đến mức thấp nhất có thể. Thay đổi mức độ căng của dây là tất cả những lưu ý trong giai đoạn này.

Cách dòng cá trong Jigging chậm
Tôi cũng như bao câu thủ khác khi dòng cá đều kéo cần lên và trong lúc hạ cần xuống lại thì quay máy. Cứ lập đi lập lại hành động này cho đến khi cá chịu khuất phục. Nhưng các chuyên gia lại cho rằng cần phải xem xét lại cách dòng cá truyền thống này khi câu Jigging chậm. Tôi đã xem đi xem lại bản Video của một câu thủ bắt cá cá Cam (Amberjack) bằng kỹ thuật Jigging chậm. Anh ta dùng dây PE 2.0, 30lb với con Jig có gắn đến 4 lưỡi 2/0. Anh giữ cần ở thế hạ xuống, thỉnh thoảng lại nhúng cần xuống nước và nâng lên lại trong chuyển động tiếp theo. Anh ta cứ để cho cá chạy và sau đó kéo chúng lại, cứ để cho cá lắc mạnh đầu, giẫy dụa và sau đó lôi nó đi vòng quanh, lập đi lập lại như vậy. Hành động của anh ta không phải là giao chiến với cá mà trông giống một người đi dạo với chú Cún cưng của mình. Hình ảnh đó thật đẹp.

Các hướng dẫn đều chỉ rõ là nên hạ thấp cần xuống; thu dây một cách ổn định và bình tĩnh; giảm bớt sức căng của dây, điều này sẽ giúp trận giao đấu có mức rủi ro thấp nhất. Kỹ thuật Jigging chậm hướng câu thủ đến việc dùng cần câu nhẹ, nhưng khỏe và có độ đàn hồi cao. Nhiệm vụ của cần câu là giúp cho mồi jig múa lượn và đóng cá, chỉ vậy. Phần việc còn lại là của máy câu và kỹ thuật của câu thủ. Khi dòng cá, nâng cần lên cao là tận dụng sự đàn hồi của cần câu để giảm bớt những tác động bất ngờ từ con cá đang vùng vẫy. Nhưng nếu nâng cần lên quá 90 độ so với dây thì cần có thể bị gãy vì ở tư thế này, độ đàn hồi của cần đã bị triệt tiêu. Câu thủ phải thuộc  nằm lòng rằng câu Jigging chậm là câu cá theo phương thẳng đứng và cần câu được nâng lên tối đa chỉ ở mức 90 độ so với dây câu mà thôi.

Nâng cần lên tối đa 90 độ so với dây câu và không nâng lên hạ xuống trừ phi thật cần thiết

Tôi thường dòng cá như thế này: Giữ đầu cần sát dưới nước và không nâng lên hạ xuống trừ phi thật cần thiết. Không mạo hiểm thay đổi mức căng dây; Luôn thu dây một cách chắc chắn và ổn định để giúp cho cá thật bình tĩnh, không quá sợ hãi mà vùng vẫy hoặc tìm cách tháo chạy.

Hoàng Quốc Trí

VietnamFishingReview

Bài viết liên quan:
-
Tôi đi câu Jig (Bài 1: Bài mở đầu)
- Tôi đi câu Jig (Bài 2: Tại sao kỹ thuật Jigging tốc độ cao lại chú trọng yếu tố giật nhanh?)
- Tôi đi câu Jig (Bài 3: Thế nào là Jigging chậm?)
- Tôi đi câu Jig (Bài 4: 03 biến thể chính của Jigging chậm)
- Tôi đi câu Jig (Bài 5: Thiết kế đồ nghề cho Jigging chậm)
- Tôi đi câu Jig (Bài 6: Lưỡi và mồi Jig)
- Tôi đi câu Jig (Bài 7: Màu Jig nào hiệu quả nhất?)
- Tôi đi câu Jig (Bài 8: Những câu hỏi liên quan đến trọng lượng mồi Jig và cần câu)
- Tôi đi câu Jig (Bài 9: Thủy triều, dòng chảy và sự phối hợp với các kỹ thuật Jigging khác)