Tôi đi câu Jig (Bài 9: Thủy triều, dòng chảy và sự phối hợp với các kỹ thuật Jigging khác) (2)

Oct 22, 2013 03:26:37

Vấn đề thủy triều và dòng chảy trong Jigging cũng tương tự như các kiều câu khác. Khi nước đứng, cá cũng yên lặng không ăn; nước chảy mạnh, cá vẫn yên vị dưới đáy và cũng không hoạt động; chỉ khi nước di chuyển vừa phải thì cá mới đi tìm mồi. Jigging chậm đã giúp mở rộng phạm vi câu cá hiệu quả nhưng vẫn có những hạn chế và không phải lúc nào cũng có thể áp dụng kỹ thuật này.

Sóng bập bềnh, biển động
Những đợt sóng lên xuống, nhấp nhô làm cho việc điều khiển Jig trở nên rất khó khăn. Lúc này, không thể câu Jigging chậm, tôi thường chuyển sang kiểu giật mồi rơi dài, một biến thể của Jigging chậm. Hành động rơi một cách chậm rãi của con Jig sẽ giúp thay đổi được cục diện, lúc này sóng lớn chỉ còn là vấn đề nhỏ.

Tôi thường chuyển sử dụng Jig dài và giật kiểu giật mồi rơi dài khi gặp sóng lớn

Nước chảy mạnh
Nước chảy mạnh sẽ đẩy mồi Jig đi xa và câu thủ không thể ở trên cùng một đường thẳng với Jig. Với những ai chưa nhiều kinh nghiệm sẽ vẫn cố gắng làm cho mồi Jig chuyển động, nhưng thật ra họ chỉ làm cho dây di chuyển chứ không phải Jig. Con Jig lúc này đang treo lơ lửng trong nước và không thể chạm đáy. Jigging tốc độ nhanh thu dây rất nhanh và mạnh có thể giúp mồi Jig di chuyển được, trong khi Jigging chậm lại dựa vào sự nâng lên từng khoảng nhỏ rồi rơi xuống của con Jig, nước chảy mạnh quá sẽ xóa bỏ mọi nỗ lực đó.

Các chuyên gia Jigging chậm khuyên rằng nếu gặp nước chảy mạnh hãy thực hiện các mẹo sau:
- Sử dụng mồi jg nặng từ 150g đến 250G cho mức nước sâu dưới 100 mét.
- Dùng dây nhỏ hơn. PE #2.0 chỉ là chỉ số tiêu chuẩn dành cho jigging chậm, nếu câu thủ mạnh dạn xuống mức PE1.5, PE1.2, hoặc PE1.0 có thể tạo nên sự khác biệt, vì dây càng nhỏ càng ít cản nước, câu thủ kết nối được với Jig dễ dàng hơn.
- Sẵn sàng cần câu và mồi Jig dài ( Long Jig) để chuyển sang kỹ thuật giật cao.

Ở Côn Đảo, tôi thường sử dụng mồi Jjg nặng từ 150g-250g khi nước chảy mạnh

Tôi đã từng nghe theo lời khuyên này và thấy rất hiệu quả, đặc biệt là việc chuyển sang kỹ thuật giật cao khi gặp phải tình huống này là vô cùng hợp lý.

Như đã trình bày, giật cao không phải là một kỹ thuật Jigging khác mà là một phần của Jigging chậm, một sự biến thiên của Jigging chậm. Trong Jigging chậm, mỗi lần giật, cần câu bật ngược lại để cho con Jig nằm hoặc trượt trên mặt cạnh của nó, vài giây sau thì rơi (khoảnh khắc này cá thường lao đến táp mồi). Kỹ thuật giật cao cũng tương tự như vậy nhưng câu thủ dùng nhiều sức hơn; cần câu phải mạnh hơn để tạo độ  làm cho mồi Jig chuyển động tích cực hơn; Giật mạnh hơn và giữ cho cần ở thế cao lâu hơn; dùng mồi Jig dài sẽ tuyệt hơn vì hoạt động của Jig theo chiều ngang rộng hơn.

Có thể nói, dưới tác động của nước chảy mạnh và sóng lớn, kỹ thuật giật cao làm việc hiệu quả hơn hẳn. Khi áp dụng kỹ thuật này, tôi không gắn lưỡi vào đuôi Jig vì sẽ làm rối dây ngọn; dùng 1 lưỡi đơn lớn cột dây Assist dày;  dùng dây ngọn lớn hơn; phạm vi hoạt động của cần câu từ 0-90 độ, không được vượt quá (sẽ nói rõ lý do ở phần sau); theo dõi dây chùng sát sao sau mỗi chu kỳ, giữa mỗi chu kỳ thì ngưng lâu nhất có thể. Tôi không dùng Jig nặng quá, một con Jig nặng 160g đã có thể hoạt động rất tốt với kỹ thuật này.

Hoàng Quốc Trí

VFR

Bài viết liên quan:
-
Tôi đi câu Jig (Bài 1: Bài mở đầu)
- Tôi đi câu Jig (Bài 2: Tại sao kỹ thuật Jigging tốc độ cao lại chú trọng yếu tố giật nhanh?)
- Tôi đi câu Jig (Bài 3: Thế nào là Jigging chậm?)
- Tôi đi câu Jig (Bài 4: 03 biến thể chính của Jigging chậm)
- Tôi đi câu Jig (Bài 5: Thiết kế đồ nghề cho Jigging chậm)
- Tôi đi câu Jig (Bài 6: Lưỡi và mồi Jig)
- Tôi đi câu Jig (Bài 7: Màu Jig nào hiệu quả nhất?)
- Tôi đi câu Jig (Bài 8: Những câu hỏi liên quan đến trọng lượng mồi Jig và cần câu)