Tôi đi câu Jig (Bài 7: Màu Jig nào hiệu quả nhất?)

Oct 17, 2013 02:34:50

Cá có nhận biết được màu sắc không?
Câu hỏi này luôn được đặt ra với tất cả những ai đam mê mồi giả. Các nghiên cứu cho thấy có một số loài cá nhận thức được màu sắc còn một số khác thì không. Cá sống trong khu nước nông, trong, thì khả năng nhận thức màu sắc cao hơn. Những loại cá sống ở nước sâu có một số loại bị mất mắt, số khác phát triển mắt rất to để khuếch đại những tia sáng yếu ớt trong bóng tối. Người ta cũng tin rằng cá có màu đỏ dễ “tàng hình” vì màu đỏ khó nhận ra trong nước.

Đây là loại cá sống ở nước sâu, mắt phát triển rất to để khuếch đại ánh sáng

 

Cá có màu đỏ dễ “tàng hình” trước kẻ thù vì màu đỏ khó nhận ra trong nước

Niềm tin này không phải là không có lý do: Khi ánh sáng đi qua nước, màu đỏ - màu có bước sóng dài nhất - được hấp thụ đầu tiên; tiếp theo là màu cam; màu vàng; màu xanh lá cây; xanh da trời; màu chàm và cuối cùng là màu tím (có bước sóng ngắn nhất). Từ độ sâu 6m, màu đỏ được nhìn thấy như một màu đen mờ. Màu tím còn nguyên vẹn nhất. Và tất cả những điều này sẽ bị chi phối bởi các yếu tố: độ sâu, độ trong của nước, lượng ánh sáng và các yếu tố khác.

Sự phức tạp trong thị giác của các loài cá cũng khác nhau. Một số chuyên gia cho rằng các loài cá biển như Billfish, cá Ngừ, cá thu Ngàng (Wahoo) và cá Heo bị mù màu, chúng chỉ phân biệt được các vật thể tương phản với màu nền mà chúng thấy. Các loại cá này được cho là có 2 sắc tố thị giác, khá nhạy cảm với màu xanh da trời và màu vàng nhạt. Một số loài sống gần bờ có nhiều hơn 2 sắc tố thị giác, thường là 4 sắc tố, chúng có thể phát hiện nhiều màu và phân biệt được vật thể sáng và tối tương phản với bất kỳ màu nền nào.

Màu Jig nào hoạt động hiệu quả nhất?
Câu thủ có thể ngồi tranh cãi với nhau hàng giờ về vấn đề này. Nhưng chúng ta không nói về câu bề mặt, ta đang thảo luận về Jigging, một phương pháp thực hiện ở độ sâu từ 30-100 mét, thậm chí còn sâu hơn, với hầu hết các loài cá đều táp mồi gần đáy, trong bóng tối mà không hề có bất kỳ nghi ngại gì.

Chúng ta - con người - khi đi săn trong tự nhiên, phải sử dụng tất cả mọi giác quan mà ta có, trong đó cơ quan thị giác và sự tưởng tượng là những cái được dựa vào nhiều nhất. Đó cũng là cách mà con người phát triển - tiến hóa trong hoàn cảnh và là chiến lược để sinh tồn.

Thế còn cá thì sao? Chúng có 2 mắt như chúng ta nhưng cơ quan thính giác thì hoàn toàn khác. Tai của chúng chạy dọc theo cơ thể. Có thể nói rằng tai cá là cả cơ thể cá, do vậy, thính giác là giác quan chính của chúng và thị giác chỉ là cơ quan phụ trong hệ thống cảm giác của cá. Cá sống trong nước, mà nước là phương tiện truyền sóng âm cực kỳ hiệu quả, nhanh gấp 4 lần so với không khí, âm thanh có thể đi xa hàng ngàn ki-lo-met trong điều kiện tốt, con cá sẽ nghe được tất cả những tiếng bơi lội, sự nhiễu loạn của con mồi... Ví như loài cá heo, chúng từng là loại động vật có vú sống trong lục địa và đã tiến hóa để thích nghi với môi trường sống dưới nước, chúng vẫn có thị giác tốt nhưng giác quan căn bản của chúng vẫn là thính giác. Chúng nổi danh là loài có khả năng định vị bằng âm thanh.

Cá cũng được cho là rất quan tâm đến mùi, chúng ngửi mùi và nếm trong dòng chảy, có thể đó là cách chúng xác định vị trí của đàn cá - mồi.

Căn cứ vào những nguyên lý trên, tôi cho rằng, ở mực nước 50m trở lên, con cá xác định vị trí, xác định mục tiêu và đuổi theo con mồi chủ yếu dựa vào âm thanh. Chúng chỉ sử dụng sự trợ giúp của thị giác ở giai đoạn cuối của cuộc săn đuổi và táp mồi. Hình ảnh của mồi Jig chỉ cần tự nhiên hoặc quen thuộc với chúng.

Khu vực có thể câu Jig ở Côn Đảo có mực nước từ 25-70 mét. Tôi thích màu vàng, xanh, hồng, ngọc trai nên chọn Jig có những màu này kết hợp với những vệt sơn sọc vằn phát quang. Khi tung mồi Jig ra với các màu như trên, tôi chỉ muốn có một cú táp ngay lập tức nên bền bỉ phối hợp hành động. Tôi cũng cảm thấy là chúng hiệu quả hơn những màu khác, và thực tế là tôi đã bắt được nhiều cá hơn, nhưng có lẽ là do tôi sử dụng màu đó nhiều hơn những màu khác...

Tôi thích dùng mồi jig màu vàng hoặc hồng

Hầu hết các tay câu Jig chuyên nghiệp đều tin rằng màu jig không quan trọng bằng sự phát quang; còn sự phát quang thì ít quan trọng hơn kích thước và sự chuyển động của con Jig. Sato cũng ít đề cập đến màu sắc. Ông ta chỉ nói rằng sự phát sáng có nhiều lợi thế trong nước sâu. Ông cũng chỉ ra rằng cá săn mồi rất thích táp những con mồi có sọc vằn vì rất nhiều loài cá nhỏ có hình này trên thân thể. Có rất nhiều hình mẫu phát quang nhưng mẫu vằn (như ngựa vằn) là loại chuẩn nhất.

Mồi Jig Drift Tune có hình vằn phát quang của hãng HOT'S

 

Mồi Jig Conker của hãng HOT'S cũng phát triển thêm loại có hình vằn phát quang

 

Mồi Jig Saltiga Slow Knuckle của Daiwa cũng có hình vằn phát quang

Nói về vấn đề màu sắc và hiệu quả, không có ý kiến nào được đánh giá là đúng hoặc sai, ta chỉ cần gõ mọi cánh cửa cho đến khi cá trả lời. Hãy cứ tin rằng hành động đó, tốc độ đó, kích thước đó, màu sắc đó là những thứ mà cá thích… Cứ mạnh dạn thay đổi cho đến khi chúng tiếp nhận sự nỗ lực này. Màu sắc chỉ là một yếu tố rất nhỏ, nó phụ thuộc vào niềm tin của quí vị.

Hoàng Quốc Trí
VietnamFishingReview

Bài viết liên quan:
-
Tôi đi câu Jig (Bài mở đầu)
- Tôi đi câu Jig (Bài: Tại sao kỹ thuật Jigging tốc độ cao lại chú trọng yếu tố giật nhanh?)
- Tôi đi câu Jig (Bài: Thế nào là Jigging chậm?)
- Tôi đi câu Jig (Bài - 03 biến thể chính của Jigging chậm)
- Tôi đi câu Jig (Bài: Thiết kế đồ nghề cho Jigging chậm)
- Tôi đi câu Jig (Bài: Lưỡi và mồi Jig)