Lịch sử máy câu cá

Dec 15, 2012 03:19:33

Từ chiếc máy câu của nhóm học giả người Anh được cho là đầu tiên đến những chiếc máy câu Hi-End của các hãng sản xuất Nhật Bản là cả một quá trình phát triển không ngừng dài hơn 200 năm của kỹ nghệ máy câu thế giới.

Bình minh đơn sơ

Là một trong những ngành có lịch sử phát triển thú vị nhất vì nó gắn liền với nhu cầu giải trí không biên giới của con người. Sản phẩm phục vụ ngành câu cá giải trí rất đặc thù, nó không chỉ là kết quả của lao động trí óc, nghệ thuật mà còn phản ánh góc độ văn hóa của nhân loại.

Lịch sử máy câu cá thế giới thật sự khởi điểm phải từ những năm đầu thế kỷ 19 dù trước đó ở Anh Quốc đã có những xôn xao về những cái gọi là máy câu.

Phát triển lên từ những ống quấn dây đơn sơ đến cái máy câu là cả một quá trình dài trong sự biến đổi về nhận thức và sáng tạo, những hãng có tên tuổi đình đám thời bấy giờ phải kể đến George Snyder, Paris, Kentucky của Anh Quốc.

Máy câu Snyder

 

Máy câu cá Kentucky


Nhưng phải đến giữa thế kỷ 19, thành phố New York và một số vùng đông bắc Hoa Kỳ mới thực sự là nơi khởi thủy ngành kỹ nghệ chế tạo máy câu. Máy câu mang nhãn hiệu “New York” được làm bằng thau và bằng nikel mạ bạc với tay quay hình rắn uốn khúc, to lớn kềnh càng được người Mỹ dùng để câu theo kiểu trolling đã mở đầu cho kỷ nguyên thương mại hóa máy câu cá.  Thời điểm này có những tên tuổi khác ra đời như Vom Hofes, Conroy, Escroc, Kopf hay các nhãn hiệu khác Mỹ là Orvis, Leonard, Malleso…


Máy câu cá Vom Hofes

 

Máy câu cá Kopf

Hòa vào dòng chảy sáng tạo không ngừng nghỉ, thế giới câu cá hân hoan đón nhận chiếc máy câu tự động hoàn chỉnh nhất thời bấy giờ của hãng Francis Loomis năm 1880 và từ đó đến những năm đầu của thế kỷ 20 các thương hiệu ra đời như Shakespeare, Meisselbach, Hendryx, Montague… đưa máy câu trở thành mặt hàng phục vụ đại chúng với mức giá bình dân nhất.

Trong sự thăng trầm chung của lịch sử phát triển kinh tế xã hội thế giới, máy câu cũng có những giai đoạn chững lại. Nhất là thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 1930 và các cuộc chiến tranh thế giới. Sau chiến tranh thế giới lần II, công nghệ máy câu mới tìm lại được vinh quang của mình và phát triển cho đến ngày nay.

Thế kỷ 21 - Kỷ nguyên của công nghệ đỉnh cao

Thế giới đang tiếp tục với những định dạng mới cho máy câu. Ngày nay, máy câu cá không chỉ là công cụ bắt cá, nó được thiết kế để còn là tác phẩm nghệ thuật với tất cả mọi giá trị từ chất liệu, kỹ thuật chế tạo, công năng… Đằng sau chiếc máy câu là những bộ óc thiên tài, những bàn tay khéo léo và trách nhiệm với lịch sử phát triển ngành cơ khí chính xác. Các hãng đồ câu Nhật Bản vượt lên như những ngôi sao chói sáng, trong đó ưu tú nhất phải nhắc đến hãng Shimano và Daiwa.


Máy câu cá Shimano Stella SW

 

Máy câu cá Daiwa Saltiga Dogfight 7000

Bên cạnh những cải tiến đáng kể về kỹ thuật, chất liệu giúp tạo ra những sản phẩm máy câu có chất lượng tuyệt hảo. Mỗi hãng đều chọn cho mình một lối đi riêng nhưng trong thị trường phân khúc cao cấp họ đều có một điểm chung là mong muốn làm ra những chiếc máy câu tốt nhất, đẹp nhất… Cũng đồng nghĩa với việc họ muốn mang đến niềm kiêu hãnh và tự hào cho người sở hữu.  Điều này đã hướng ngành công nghiệp chế tạo máy câu đến một đỉnh cao mới. Những công nghệ mới, chất liệu mới không ngừng được nghiên cứu và phát minh. Và từ ngữ “máy câu đắt tiền” đã xuất hiện.

Nhiều năm qua, Stella và Saltiga luôn là những cái tên đầy ma lực cuốn hút hàng trăm triệu người yêu thích câu cá. Những sản phẩm này đã kết hợp tất cả sự quyến rũ: Cơ khí chính xác, nghệ thuật và công nghệ đỉnh cao.

Trên đường đua của các hãng, mỗi hãng một vẻ nhưng tất cả đều muốn trưng dụng những cái hoàn hảo nhất: Hãng Shimano với máy câu Stella huyền thoại được chế tạo từ hợp kim Magnesium. Hợp kim Magnesium nhẹ hơn Nhôm nhưng độ cứng không hề thua kém. Thân máy Saltiga của hãng Daiwa thì được làm từ Zaion Carbon. Các chất liệu này giúp thân máy cứng khỏe để giữ vững cấu trúc của các bộ phận bên trong.

Trong cơ cấu của máy câu, bộ phận chuyển động rất quan trọng. Bộ phận này phải được làm bằng những vật liệu tốt, cứng, chống được rỉ sét, bền và phải ăn khớp giữa bánh răng và trục quay. Loại vật liệu này được xem là bí quyết của mỗi hãng, được đăng ký nhãn hiệu độc quyền và tạo lập thành điểm mấu chốt để tuyên truyền, quảng bá.

Ví dụ: Trong thông điệp của mình, hãng Shimano công bố đã sử dụng chất liệu Super Duralumin, một hợp kim nhôm mạ lớp Black Almite để tăng cường chống rỉ sét cho máy Stella. Còn hãng Daiwa đưa ra thông điệp: Bánh răng của máy câu Saltiga được làm bằng inox đặc biệt của ngành hàng hải;  Hợp kim đồng là chất liệu của các bộ phận chính để tăng lực tối đa cho máy. Còn bộ phận bạc đạn của Shimano gọi là A-RB (antirush bearings); Daiwa có CRBB (corrosion resistant ball bearing)…Tất cả đều vô cùng tinh xảo.

Từng bộ phận của máy câu đòi hỏi phải được thiết kế và chế tạo theo một qui trình nghiêm ngặt. Từng công đoạn được sản xuất với độ chính xác tuyệt đối. Nhân lực ưu tú của họ là các kỹ sư thiết kế và chế tạo phải luôn theo sát từ đầu đến cuối để đảm bảo mọi phụ tùng đã được đặt đúng chỗ và vận hành hoàn hảo.

Với tất cả những sự ưu việt và công phu như vậy, kỹ nghệ máy câu tinh xảo đã tạo thêm một “gu” chơi độc đáo và tốn kém cho giới yêu thích máy câu cá. Và cuộc chơi này thật sự chỉ dành cho những người am hiểu và có tình yêu đích thực.

VietnamFishingReview