Cần, Máy câu Slow Pitch Jerk loại nào tốt nhất?

Jun 11, 2021 03:15:51

Thời gian gần đây, ban biên tập VietnamFishingReview nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến Slow Pitch Jerk, trong đó có rất nhiều băn khoăn về việc chọn máy và cần câu tốt nhất cho kỹ thuật câu đang rất thịnh hành này. VietnamFishingReview cũng đã giới thiệu khá nhiều bài viết liên quan đến vấn đề này. Nay trước những yêu cầu cụ thể đó, chúng tôi xin mạn phép bàn luận trực diện hơn, phân tích cụ thể hơn. Bài viết này được viết theo góc nhìn và quan điểm cá nhân của người viết, vì thế, rất mong nhận được ý kiến đóng góp, nếu có, của đọc giả.

Cần Slow Pitch Jerk tiêu chuẩn
Thấu hiểu được nỗi niềm khát khao và nhu cầu ngày càng cao của các câu thủ: Câu nước sâu, bắt cá lớn và không mệt mỏi, một số hãng sản xuất đồ câu của Nhật như Deepliner, Takamitechnos, Shimano, Evergreen, Daiwa, Seafloor Control… đã tiên phong nghiên cứu, phát triển dòng cần Slow Pitch Jerk từ năm 2011. Và cũng phải mất gần 10 năm thì kiểu câu Slow Pitch Jerk mới được thịnh hành.

Deepliner, Takamitechnos, Seafloor Control... những thương hiệu hàng đầu về cần Slow Pitch Jerk

Khi nói đến cần Slow Pitch Jerk, hầu hết chúng ta chỉ quan tâm đến chất liệu carbon làm cần, công nghệ kỹ thuật thành phẩm cần. Khi đọc thông số kỹ thuật của mỗi sản phẩm, chúng ta chỉ biết được thông số chung : Toray carbon CA-1100G 92%, Mitsubishi carbon 84%, X-Spiral, X-Tourqe, 4X Graphite Cloths…nhưng lại không quan tâm đến tỷ lệ dung môi (Prepreg), tỷ lệ góc cắt, nhiệt độ hấp nóng, và nhiệt độ làm nguội…  Ở thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay thì ngay cả những công ty sản xuất cần câu non trẻ đều có thể mua công nghệ hoặc OEM được những thân cần (blank) hoàn chỉnh. Và điều này đã được minh chứng bằng việc có vô số thương hiệu cần Slow Pitch Jerk ra đời và được bán với giá thành rất cạnh tranh. Thật ra, chất liệu, công nghệ, kỹ thuật cao chỉ chiếm 30% công đoạn trong một quá trình sản xuất một thân cần (blank ) Slow Pitch Jerk mà thôi. 70% công đoạn còn lại là bí kíp cắt, dán, hấp nóng – lạnh, chất liệu keo, gia công sau khi hoàn thiện phôi, mà chỉ có các hãng chuyên nghiệp - chuyên sâu lĩnh vực Slow Pitch Jerk, dày dạn kinh nghiệm… mới theo đuổi 70% giá trị này để tạo ra những dòng cần Slow Pitch Jerk thực sự khác biệt.

Cần Takamitechnos được thực nghiệm tại Nha Trang

Cần Slow Pitch Jerk phải có trọng lượng rất nhẹ (Light ). Vì nếu cần không nhẹ thì câu thủ sẽ không jigging cả ngày được. VietnamFishingReview đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực về vấn đề này từ những câu thủ trước đây câu High Pitch – Speed Jig.

Cần Slow Pitch Jerk phải có độ nhạy cao (Sensitive). Đây điều kiện bắt buộc trong câu Slow Pitch Jerk vì câu nước càng sâu, nước càng chảy mạnh, độ nhạy của cần sẽ giúp cần thủ nhận biết được ngay khi nào mồi chạm đáy, tránh bị vướng lưỡi câu vào rạn đá hay rạn san hô…

Độ đàn hồi cao (Elastic) cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng, độ đàn hồi cao giúp cần câu tự nâng, câu thủ ít phải dùng sức hơn trong khi jigging và khi chiến đấu với cá.

Khoen cần Slow Pitch Jerk, vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi quanh việc sử dụng khoen Fuji Titanium với khoen Fuji Torite, băn khoăn loại nào tốt hơn, bền hơn. Tuy nhiên theo ý kiến của người viết, cả hai loại này đều rất tốt, rất tuyệt. Điều quan trọng nhất nằm ở việc chọn thông số khoen, chỉ quấn khoen, kỹ thuật quấn khoen cho từng model.

Bát máy, hiển nhiên cần Slow Pitch Jerk được ứng dụng loại bát máy cao cấp nhất của hãng Fuji, nhưng việc đặt bát máy ở vị trí nào, tỷ lệ ra sao mới là cả vấn đề nan giải.

Kết luận, với những yêu cầu cực kỳ khắt khe và nghiêm ngặt như nói ở trên thì việc sản xuất ra được một cây cần Slow Pitch Jerk hoàn toàn không đơn giản. Đó cũng là lý do tại sao cần Slow Pitch Jerk luôn có giá thành cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quá nghi ngại bởi giá thành thường đi liền với chất lượng và có giá trị thương hiệu.

Người viết may mắn được test nguyên series cần Jamforce từ 1-6

Giấc mơ của nhiều cần thủ - series Jamforce từ 1-6

Quay trở lại vần đề cần Slow Pitch Jerk, loại nào tốt nhất? VFR không dám đánh giá loại nào tốt nhất, chỉ xin được đề xuất dựa vào những tiêu chí đã phân tích ở trên, dựa theo những trải nghiệm thực tế và dựa vào những đánh giá của các câu thủ trong và ngoài nước.Thứ tự ưu tiên xin được xếp loại như sau:

  1. Deepliner Logical 55
  2. Takamitechnos MOZ
  3. SeaFloorControl Jamforce/Jerex/Rapier
  4. Evergreen Poseidon (nếu muốn mua thì nên chờ model mới sắp phát hành)
  5. Shimano Ocea Jigger infinity
  6. HOTS Stilleto Slow Style

Máy câu Slow Pitch Jerk
Nghĩ đến máy câu jig thì gần như ngay lập tức, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến máy Shimano Ocea Jigger, máy Daiwa SJ hay thấp hơn là Shimano Torium… điều này hoàn toàn chính xác. Tất cả các thương hiệu nói trên đều rất nổi tiếng về chất lượng, sự bền bỉ và được ưa chuộng khắp thế giới. Nhưng sẽ thật thiếu sót nếu các tín đồ jigging lại bỏ qua máy Blue Heaven của hãng SOM và Capcha của Ocean Freaks.

Ai đã là một Slow Pitch Jigger thì khó mà không biết đến máy Blue Heaven của hãng Studio Ocean Mark (SOM). Máy Blue Heaven có 3 seri: L30, L50, L80, L120N và L120. Máy Blue Heaven có giá thành không hề rẻ nhưng khi đã sử dụng rồi thì sẽ không hề hối tiếc bởi chất lượng, dễ sử dụng, dễ bảo trì. Tuy nhiên, cho dù máy tốt đến đâu, hay đến mấy thì Blue Heaven cũng có những hạn chế nhất định:

- Model L50 câu không khác biệt nhiều so với Shimano Ocea Jigger size tương đương hoặc Daiwa Saltiga SJ size tương đương.

- Model L80 có sự khác biệt lớn khi so sánh với Shimano Ocea Jigger 3000 hay Daiwa Saltiga SJ 35 trong câu Slow Pitch Jerk. Tuy nhiên, theo đánh giá của người viết, chất liệu vỏ của L80 hơi mềm, hệ thống hãm chưa hoàn hảo.

- Model L120N (Narrow Spool) cực kỳ hoàn hảo với kiểu câu Slow Pitch Jerk bởi câu được dây PE nhỏ. Chất liệu vỏ máy rất tốt, rất dễ sử dụng và rất dễ tự bảo trì sau mỗi chuyến câu. Chỉ có một vấn đề là giá thành máy rất cao và trọng lượng khá nặng. Tuy được đánh giá là chiếc máy câu hoàn hảo nhưng đôi khi một vài lỗi nhỏ sơ đẳng vẫn xảy ra như gioăng chưa khớp, ốc vặn đôi khi có cảm giác trầy xước. Và điều này cũng bình thường bởi dòng máy này được lắp ráp hoàn toàn thủ công.

Thực nghiệm L120 tại biển Phú Yên

- Model L120 thực sự là niềm mơ ước của mọi Slow Pitch Jigger. L120 đứng đầu về chất lượng từ vỏ máy, bánh răng, hệ thống hãm, vòng bi… L120 thật sự xứng đáng đứng vào hàng ngũ những dòng máy câu ngang “HighEnd” câu Jig hiện nay. L120 câu mồi sống cũng được, câu Speed Jig cũng được và câu Slow Pitch Jerk cũng cực kỳ hoàn hảo. Trọng lượng máy L120 nặng hơn L120N, mức hãm lớn hơn, ống chứa dây rộng hơn. Tuy nhiên, Model L120 được khuyến cáo không được câu dây PE nhỏ bởi có thể xảy ra hiện tượng biến dạng (méo) ống chứa dây. Giống như L120N, L120 đôi khi vẫn bị một vài lỗi nhỏ. Lý do có thể là do máy này được lắp ráp hoàn toàn bằng thủ công. Giá bán của L120 bằng L120N.

Trong kinh doanh, chiến lược cơ bản là thu hút thêm khách hàng mới và duy trì khách hàng hiện tại bằng những sản phẩm và dịch vụ ưu việt. Ở lĩnh vực sản xuất dụng cụ câu cá, thách thức này càng trở nên khó khăn khi thị trường liên tục đón nhận những công nghệ mới. Những sản phẩm đột phá sẽ nhanh chóng mất đi sự mới mẽ. Như một qui luật phát triển tất yếu, SOM cũng đối mặt với thách thức này: Đó chính là kỹ thuật chế tạo máy Capcha, máy câu chuyên dụng chuyên Slow Pitch Jerk của hãng Ocean Freaks - Nhật Bản, một đối thủ tuy sinh sau đẻ muộn nhưng ngang tài và luôn muốn chen chân vào tốp đầu. Dòng máy Capcha của hãng này chỉ ra đời được 4-5 năm nhưng đã được định vị là dòng máy câu jig đa năng, chất lượng, dễ sử dụng, dễ bảo trì và giá thành cực kỳ cạnh tranh. Capcha có 3 model: 30HG, 50HG và 60HG.

-  Model 30HG, không có nhiều nổi bật nếu so sánh với Shimano Ocea Jigger size tương đương hoặc Daiwa Saltiga SJ size tương đương.

- Model 50HG chứng minh được sự khác biết trong câu Slow Pitch Jerk ở mực nước 100-200m bởi lực hãm rất tốt, thu dây nhanh, nhẹ và ống chứa dây vừa phải (dây PE6-300 mét). Máy rất dễ sử dụng, ngay với cả với người chưa câu máy ngang bao giờ, dễ dàng tự bảo trì sau mỗi chuyến câu. Nhìn chung, chất lượng của máy Capcha không phải bàn cãi bởi người viết đã trải nghiệm máy rất nhiều lần và thực tế đã chứng minh máy rất tốt và rất hiệu quả. Và so với Blue Heaven, Capcha nhẹ hơn rất nhiều, điều này đặc biệt quan trọng trong câu Jig. Capcha chỉ được chế tác tại nhật (made in Japan), đây là một điểm cộng nữa của Capcha.

Ocean Freaks Capcha 50HG - Silver, model 2021

- Model 60HG. Nói đến Ocean Freak Capcha, phải nói đến CON QUÁI VẬT Capcha 60HG, model khủng nhất và cũng là niềm tự hào của hãng Ocean Freaks. Máy có trọng lượng nhẹ hơn khoảng 40% nếu so sánh với Blue Heaven 120. Tay quay dài hơn, thu dây nhẹ hơn và lực hãm cao hơn, ống chứa dây lớn hơn so với Blue Heaven 120. Capcha 60HG có thể câu dây PE nhỏ hoặc lớn (dây PE3-1200 mét). Người viết đã từng làm nhiều so sánh về việc bắt cá (fighting), jigging, thu dây giữa Capcha 60HG và Blue Heaven 120 và cảm nhận rằng Capcha 60HG câu thoải mới hơn. Về độ tinh xảo trong chế tác, Blue Heaven của SOM vẫn trội hơn so với Capcha của Ocean Freaks nhất là ở các vị trí chứa ốc vít. Nếu điểm ngoại hình của Blue Heaven là 10 điểm thì Capcha sẽ được cho 8 điểm.

Ocean Freaks Capcha 60HG chịnh phục ngư trường Phú Yên

Vậy nên chọn loại máy Slow Pitch Jerk nào? Người viết xin đề xuất dòng máy Blue Heaven 120L hoặc 120 của SOM và Capcha 50HG hoặc 60HG của Ocean Freaks. Cụ thể hơn, nếu là người mới bắt đầu câu Slow Pitch Jerk thì nên chọn Capcha bởi chất lượng không kém Blue Heaven nhưng giá thành lại tiết kiệm gần một nửa.

Hoàng Quốc Trí
VietnamFishingReview