Kiểu Jigging nào hiệu quả hơn, Speed Jigging hay Slow Pitch Jerk?

Apr 24, 2020 13:39:49

Thời gian gần đây, Ban biên tập VietnamFishingRevew nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến hai kỹ thuật jigging thịnh hành này, cụ thể, giữa Speed Jigging và Slow Pitch Jerk, kiểu nào hiệu quả hơn? kiểu nào bắt được nhiều cá lớn hơn? Tại sao cần  câu Slow Pitch Jerk trông có vẻ ẻo lả?...

Thời gian qua, VietnamFishingRevew đã giới thiệu khá nhiều bài viết liên quan đến hai kỹ thuật câu này. Nay, trước các vấn đề đặt ra đó, chúng tôi xin mạn phép bàn luận trực diện hơn, phân tích cụ thể hơn, từ cách chọn cần, máy, dây, mồi…đến kỹ thuật jigging, dựa vào địa hình biển và hoàn cảnh thực tế tại Việt Nam. Bài viết này được viết theo góc nhìn và quan điểm cá nhân của người viết, vì thế, rất mong nhận được ý kiến đóng góp, nếu có, của đọc giả.

Speed Jigging
Speed Jigging là kiểu câu Jig được Ông Yochi Mogi, một câu thủ Nhật Bản, sáng tạo ra từ những năm 70 thế kỷ trước. Và kiểu câu này được cho là đã tạo ra một cú sốc trong làng jigging thế giới, được nhân rộng, điều chỉnh và phát triển cho đến ngày nay.

Dụng cụ câu Speed Jigging cơ bản bao gồm: 01 cây cần Jig có độ dài tiêu chuẩn 6 feet (khoảng 1.8 mét) đứng (spinning) hay ngang (baitcasting) đi kèm theo với 01 máy đứng (spinning reel)  hoặc máy ngang (overhead reel). Dây PE được chọn dùng dựa vào size máy, độ tải mồi jig của cần câu, độ sâu của nước, chủng loại cá. Dây PE được nối với 01 đoạn dây ngọn (leader) dài từ 2-5 mét. Chọn dây ngọn cần lưu ý: dây ngọn thường có trọng tải nhỏ hơn dây PE để khi lưỡi câu bị vướng rạn, cần phải dứt đứt dây, thì chỉ làm đứt dây ngọn mà thôi, biện pháp này nhằm bảo toàn dây PE. Dây ngọn không chỉ có nhiệm vụ chống sốc (shock) để đảm bảo an toàn cho dây PE, hạn chế việc gãy đọt đầu cần (vì nó không dãn), mà dây này còn có tính năng chống xước, chống xoắn rất hiệu quả (01 sợi dây ngọn được hấp nhiệt tạo thành từ nhiều sợi Nylon Flouro nên khả năng chịu mài mòn và chống xoăn gần như hoàn hảo. Tuy nhiên, việc hấp nhiệt này cũng làm cho dây giòn hơn).

Zô-Zô, hay còn gọi là kỹ thuật 12h – 6h, là kỹ thuật cơ bản dùng để câu Speed Jigging. Thao tác: Mở càng máy (với máy ngang thì gạt chốt hãm), thả cho mồi jig rơi tự do cho đến khi jig chạm đáy. Đóng càng máy (máy ngang là đóng chốt hãm) thu dây 3-10 vòng để cho dây thẳng rồi bắt đầu jig. Kỹ thuật 12h – 6h nghĩa là, khi bắt đầu jigging, người câu sử dụng một tay cầm cần, một tay cầm núm tay quay máy câu theo hướng 12h. Giật hai tay cùng lúc theo hướng 12h (động tác này sẽ làm giảm sự mệt mỏi cho tay, vai của người câu, nhờ lực đã được phân tán lực đều). Sau đó, người câu hạ đều cả hai tay xuống 6h rồi theo đà lên lại 12h và liên tục như vậy. Tuy theo độ sâu của khu vực câu, độ cao và địa hình đáy, chủng loại cá muốn câu mà người câu sẽ quyết định đưa mồi jig lên bao nhiêu mét.

Ưu điểm của Speed Jigging là dễ câu, dễ mua dụng cụ câu vì có thể dùng được loại từ giá tốt đến đắt tiền. Mọi đối tượng đều có thể chơi được. Và thêm một hữu ích nữa, là bộ dụng cụ câu speed jigging này, có thể dùng để câu mồi sống (bottom fishing).

Ưu điểm kế tiếp là cần khỏe, máy khỏe, dây lớn… nên việc bắt cá lớn cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Tiếp đến là việc bảo trì, sửa chữa dụng cụ câu cũng dễ dàng và đơn giản.

Điểm hạn chế, Speed Jigging là kỹ thuật câu yêu cầu người câu phải vận động hết công suất với tốc độ nhanh trong suốt buổi câu, ngày câu. Chính điều này đã vắt kiệt sức của người câu và dẫn đến tâm lý ngán và chán, nhất là gặp hôm yên ắng toàn phần.

Hạn chế tiếp theo của Speed Jigging là cực kỳ khó khăn cho người câu điều khiển mồi Jig ở khu vực nước sâu, thủy triều mạnh. Chỉ mỗi việc thu dây, thu mồi Jig trọng lượng 500 gam ở mức nước sâu 150 mét thôi cũng là nỗi ám ảnh của câu thủ rồi.

Slow Pitch Jerk
Như đã nói ở nhiều bài trước, Slow Pitch Jerk hiện đang “làm mưa làm gió” trên sân chơi câu Jigging toàn cầu. Khai sáng ra môn này cũng là một nhóm câu thủ siêu hạng của đất nước mặt trời mọc, ông Sato Sensei, ông Hirota Kazuhiro, ông Hagishimura, Ông Toto " Ogasawa ".

Khác với kiểu câu Speed Jigging, Slow Pitch Jerk câu được ở tất cả các vùng nước, từ những khu vực có mức nước nông đến rất sâu (tới 800 mét). Nước càng sâu, kiểu câu Slow Pitch Jerk càng phát huy thế mạnh, từ việc giảm sự mệt mỏi, tăng cảm giác hưng phấn khi cá cắn câu, đến việc khá nhàn hạ khi chiến đầu với cá lớn.

Nguyên tắc đầu tiên và quan trọng của Slow Pitch Jerk là thiết kế một bộ đồ câu đúng tiêu chuẩn, điều này giúp câu thủ nắm chắc 70% phần thắng. Vậy thế nào là một bộ dụng cụ Slow Pitch Jerk chuẩn?

Đối với cần câu, tiêu chuẩn được chia làm 3 mức A, B, C.

Cần hạng A
100% làm bằng tay, từ các nghệ nhân – Jigger nổi tiếng Nhật Bản (Made in Japan)

Với những loại cần hạng A này, chất liệu carbon của cần vô cùng đặc biệt, và đây cũng là yếu tố quan trọng tạo nên một cần câu Slow Pitch Jerk tuyệt diệu. Vì nó giúp cho cần câu vô cùng nhạy, vô cùng nhẹ, vô cùng nảy ở đúng vị trí mong muốn để có thể búng con jig trọng lượng rất nặng một cách dễ dàng. Đây là điều tạo nên sự khác biệt lớn nhất của Slow Pitch Jerk.

Rất công phu và chuyên nghiệp, nhà sản xuất cần câu phải cùng với hãng sản xuất khoen, thường là Fuji được chọn, cùng nhau nghiên cứu, bàn bạc, thống nhất thiết kế ra một hệ thống khoen Fuji chỉ dành riêng cho dòng cần đó mà thôi. Vì chỉ cần sai thông số khoen, và chỉ cần một khoen thôi, thì cần câu sẽ mất cân đối ngay. Đó là lý do tại sao khi bị hư khoen thì sẽ rất phức tạp cho khâu đặt khoen thay thế. Do đó, người câu nên mua cần câu chính hãng để được nhà sản xuất cung cấp đúng phụ kiện thay thế.

Cần Slow Pitch Jerk hạng A dễ dàng điều khiển con mồi jig 500-600 gam ở mực nước sâu gần 200 mét

Cần câu hạng A hầu hết được làm thủ công, do có một số công đoạn phức tạp và cũng là “bí kíp” riêng của từng hãng. Mỗi chiếc cần trước khi xuất xưởng đều được chủ hãng, thường là những field tester nổi tiếng hoặc những người sáng tạo – đi đầu ở môn câu này đứng ra mở hãng, kiểm tra kỹ lưỡng, tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ nhất. Họ cũng làm luôn công đoạn “truyền thần” cho cần. Đó là lý do tại sao câu thủ luôn có cảm giác đê mê, ảo diệu khi sử dụng dòng cần này.

Với tôn chỉ ưu tiên CHẤT LƯỢNG – LÒNG TỰ HÀO TỰ TÔN DÂN TỘC chứ không phải SỐ LƯỢNG & LỢI NHUẬN nên nhà sản xuất chỉ làm đúng, đủ theo số lượng đặt đặt hàng dựa vào năng lực sản xuất. Do vậy, dòng cần hạng A luôn được bán hết ngay sau khi ra thị trường.

Hạng B: MADE IN JAPAN, INDONESIA
Thật ra, rất khó phân biệt được chất lượng giữa loại cần hạng A với hạng B. Chỉ có thể so sánh được khi người câu có cùng lúc hai bộ, trong đó máy câu giống nhau, dây giống nhau, trọng lượng mồi jig bằng nhau, và câu cùng một thời điểm với mức nước sâu, dòng chảy, gió… như nhau. Và sự khác biệt sẽ càng rõ hơn khi câu ở mức nước càng sâu.

Cần hạng B cũng được chế tác từ chất liệu carbon siêu cao cấp, rất nhẹ, rất nhạy nhưng kém tinh tế một chút về độ nảy.

Khoen cần có chân khoen làm từ 100% Titannium, lòng khoen chất liệu SiC hoặc Torite. Hệ thống khoen này cũng được thiết kế riêng nhưng nếu khoen bị hư thì câu thủ dễ dàng đặt khoen thay thế cho dù có mua cần câu chính hãng hay không.

Cần câu hạng B thường được sản xuất công nghiệp nên số lượng đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Người dùng cũng yên tâm vì cho dù sản xuất hàng loạt nhưng loại cần hạng B vẫn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cực kỳ nghiêm ngặt.

Hạng C
Cần hạng C cũng rất tốt. Điểm khuyết là không được nhẹ, nhạy, nảy nhưng điểm ưu là cần khó bị gãy đọt hơn bởi đã được pha chế theo tỉ lệ giữa carbon với phụ gia khác.  Khoen vẫn là của hãng Fuji nhưng chân khoen chỉ là Stainless Steel, không phải Titanium.

Dĩ nhiên giá thành cực kỳ dễ chịu, chỉ bằng 1/3 so với dòng cần hạng A.

Dòng cần hạng C, theo ý kiến của người viết, nếu chỉ câu ở mức nước sâu dưới 100m thì hiệu quả mang lại không thua kém dòng cần hạng A và B.

Máy câu
Kiểu câu Slow Pitch Jerk được khuyến cáo chỉ dùng máy ngang (Star Drag hoặc OverHead) chứ không phải là máy đứng. Xin lưu ý Slow Jigging hoàn toàn khác với Slow Pitch Jerk - Xin đừng nhầm lẫn.

Quay trở lại vấn đề chính, vậy đâu là sự khác biệt giữa kiểu câu Speed Jigging và Slow Pitch Jerk? Ở speed Jigging, con cá sẽ đuổi theo táp mồi Jig khi mồi đi lên, trong khi đó, với SlowPitch Jerk, cá vẫn sẽ đuổi theo mồi jig nhưng  không táp (nếu có thì không nhiều), mà đợi cho mồi rung, trượt xuống thì mới táp mồi Jig. Tinh túy của Slow Pitch Jerk là đây. Nhiều minh chứng cho thấy, có đến 70% cá táp mồi Jig khi dừng lại và tiếp tục di chuyển lên. Và đây cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi tại sao phải dùng máy ngang để câu Slow Pitch Jerk, bởi hầu hết quá trình mồi Jig rơi, cá táp Jig, người câu sẽ dễ dàng dùng ngón tay cái gạt chốt hãm nếu là máy Overhead, hoặc đóng tay máy cho máy tự đóng chốt hãm, nếu là máy Star Drag, để đóng cá. Thêm vào đó, kiểu câu Slow Pitch Jerk là bắt cá bằng máy chứ không phải bằng cần câu nên việc khuyến cáo sử dụng máy ngang giờ lại càng phát huy ưu thế. Bởi khi cá dính câu, nếu là máy đứng, dây câu phải chạy qua con lăn dây (roller), tạo lực tì, ma sát rất mạnh, cảm giác bị ghì níu lại trên cánh tay người câu, chính điều này làm khó khăn hơn trong việc bắt cá. Nhưng với máy ngang, dây sẽ chạy thẳng tắp theo hệ thống khoen của cần câu nên giảm thiểu tối đa lực tì, lực ma sát nơi cánh tay, cho cả hệ thống khoen. Lúc này máy ngang hoạt động theo kiểu ròng rọc nên người câu cảm thấy rất nhẹ nhàng, thoải mái (người viết sẽ phân tích kỹ hơn ở phần kỹ thuật Slow Pitch Jerk bên dưới).

Ocean Freaks, dòng máy Overhead câu Slow Pitch Jerk đang được ưa chuộng hiện nay

Máy ngang có nhiều loại. Dòng phổ thông thì phổ biến là của hai hãng Shimano, Daiwa. Chuyên nghiệp hơn và giá khá cao có SOM, Accurate, và Ocean Freaks. Ocean Freaks là dòng máy ngang đa năng câu được cả Speed Jigging, Slow Pitch Jerk, và câu mồi sống. Ocean Freaks, từ một hãng trẻ, chỉ trong 03 năm, Ocean Freaks đã vượt lên, được tín nhiệm, ưa chuộng không chỉ ở Nhật Bản mà còn nhiều nơi trên thế giới nhờ đạt được các tiêu chí: Chất lượng Nhật Bản, bền, dễ sử dụng, đa năng, giá cả tốt nhất trong dòng máy ngang cao cấp chuyên jigging và câu biển.    

Dây PE
Đối với Slow Pitch Jerk, chất lượng dây PE cũng rất quan trọng. Có rất nhiều loại dây trên thị trường với nhiều mức giá. Tùy theo ngân sách, kỹ năng của từng người mà dùng, không nhất thiết phải dùng dây đắt tiền nhất nhưng nên chọn loại dây có chất lượng ổn định.

Dây ngọn (LEADER)
Cũng như Speed Jigging, dây ngọn ở kỹ thuật Slow Pitch Jerk phải là Flouro Carbon Shock Leader.  Nút cột dây Leader với Solid Ring (khoen liền) được khuyến cáo dùng kiểu cột TN. Kỹ thuật nối dây Leader với dây PE được khuyên dùng dụng cụ hỗ trợ Bobbin (máy cột dây) với kiểu cột PR, nút cột sẽ đều và khít hơn cột bằng tay, giúp tránh cho khoen và chân khoen bị tổn thương, do khoen của cần Slow Pitch Jerk rất nhỏ và mảnh.

Lưỡi câu
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại lưỡi chuyên câu Slow Pitch Jerk nên câu thủ rất dễ chọn lựa. Tuy nhiên, chỉ có một lưu ý nhỏ, lưỡi Slow Pitch Jerk được chia làm 02 loại: Slow Pitch Jerk và Power Pitch Jerk. Người câu nên mua lưỡi chính xác theo các điều kiện: câu ở vùng nào, loại cá gì, cần, máy, dây như thế nào, sẽ hiệu quả hơn. Nên dùng các loại lưỡi được sản xuất bỡi của các hãng Nhật Bản. Tuy giá thành hơi cao nhưng sản phẩm được làm từ chất liệu thép rất tốt, đóng cá tốt hơn, rất cứng nhưng lại khó gãy, bền với thời gian và đặc biệt, chất liệu sản phẩm ít gây hại cho môi trường.

Kỹ thuật cơ bản của Slow Pitch Jerk
Như nhiều bài viết đã được giới thiệu trên www.vietnamfishingreview.vn  sử dụng kỹ thuật 01 Pitch (1vòng) , ½ Pitch (½ vòng) hoặc ¼ Pitch (¼ vòng ) tùy thuộc vào chiến thuật câu của từng người. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kỹ thuật ½ Pitch được ưa thích nhất, hiệu quả nhất và dễ sử dụng nhất. 

Cũng giống như Speed Jigging, sau khi mồi Jig chạm đáy, người câu phải thu dây 3-10 vòng để làm cho dây thẳng (nhận biết dây đã thẳng khá đơn giản, chú ý tay, sẽ thấy dây căng do jig nặng tì xuống). Tiếp theo, người câu nâng cần nhẹ nhàng lên, cần cong vút nhẹ nhàng. Đợi cho cần trở lại thẳng như ban đầu, sau đó từ từ hạng cần xuống và chờ cho đến khi nào cảm thấy độ tì của Jig thì mới thu dây. Có thể thao tác 01 Pitch từ 4-5 lần rồi mới chuyển qua ½ Pitch hoặc ¼ Pitch. Như vậy, cùng với 1 đường Jig nhưng Slow Pitch Jerk trình diễn được 3 action khác nhau trong cùng 1 con mồi jig. Đây là sự khác biệt tuyệt vời mà Speed Jigging không thể làm được.

Slow Pitch Jerk dễ dàng khống chế dòng chảy mạnh, nước sâu nhờ dùng dây nhỏ, cần câu nhẹ, nhạy, độ nảy tốt, điều khiển mồi Jig nặng dễ dàng kết hợp với máy ngang chuyên dụng nên việc thu dây, thu mồi rất nhẹ nhàng. Đây lại là một điểm cộng nữa của Slow Pitch Jerk so với việc dùng một bộ cần câu hạng nặng của Speed Jigging, vì nếu câu nước sâu, Speed Jigging buộc phải dùng máy đứng lớn mới đủ dây, tương ứng với cần câu đủ lớn, khỏe mới có thể nâng được mồi jig 300gam – 500g. Nếu dính cá thì không sao bởi lúc đó người câu sẽ quên hết mệt mỏi nhưng nếu không dính cá, chỉ một việc thu dây, thu mồi ở mức nước sâu trên 100 mét thôi cũng đã là ác mộng của câu thủ, cho dù người đó dùng loại đồ câu đắt tiền đến mấy. Bạn hãy hình dung xem nếu câu 2 ngày 2 đêm với 01 bộ cần máy to, nặng thì sẽ như thế nào.

Làm chủ con mồi
Mồi câu Slow Pitch Jerk được thiết kế hoàn toàn khác với mồi Speed Jigging do vậy khi mua mồi, người câu không nên ngần ngại yêu cầu người bán hướng dẫn các tính năng của từng con mồi. Không có con mồi nào là hay nhất. Mỗi một loại mồi sẽ phát huy được công năng cho từng thời điểm. Do vậy, trong một chuyến câu, nên có 1-5 loại mồi khác nhau và 3 trọng lượng mồi khác nhau. Ví dụ: mồi jig loại có chuyển động hỗn, chuyển động nhẹ nhàng, chuyển động nhanh và nhẹ… Chỉ cần linh hoạt trong việc sử dụng mồi, trong lượng mồi, người câu sẽ nhận được hiệu quả tức thì.

Mồi Slow Pitch Jerk được làm với tất cả tâm huyết, hồn cốt của người làm ra nó

Mồi câu Slow Pitch Jerk trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại. Từ những loại mồi hạng A như Deepliner, Seafloor Control, Blue Blue, Beat… đến những loại mồi sao chép (copy) được làm tại Malaysia, Thailand, Trung Quốc, Đài Loan hay Việt Nam. Không nói đến tính hiệu quả giữa 02 loại mồi chính hiệu (thường là made in Japan) và hàng sao chép, chỉ so sánh về chất lượng thành phẩm: Mồi sao chép không thể có những màu sắc tinh tế, những điểm nhấn rõ nét, sang trọng, những đường cắt mỹ thuật hoàn hảo…Bên cạnh đó, mồi chính hiệu luôn được làm với chất liệu đặc biệt, phù hợp với ý đồ hành động (action) mà người làm ra muốn con cá thật nhận thấy và kích thích, cùng với tất cả sự sáng tạo, tâm huyết, hồn cốt của người làm ra nó vốn là nghệ nhân - Angler.

Nói thêm về kỹ thuật câu, ưu điểm nổi trội của Slow Pitch Jigging là khoan thai, nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Câu mà như không câu. Câu Thủ có thể câu vài giờ, vài ngày mà không hề có cảm giác mệt mỏi. Khi dính cá, đặc biệt là cá lớn, thì cảm giác hoàn toàn khác, sung sướng đến tột cùng run rẩy, sợ hãi đến tột cùng vì phần thắng luôn được chia đều 50-50 cho cả người câu và con cá. Câu Slow Pitch Jerk cũng giống như chơi game vậy, càng chơi càng nghiện, càng muốn chinh phục ở những đỉnh cao hơn.

Lợi thế kế tiếp là Slow Pitch Jerk có thể câu được ở mọi địa hình, mọi độ sâu, thậm chí sâu đến 800 mét, cái mà dụng cụ câu của Speed Jigging không làm được điều này.

Slow Pitch Jerk có thể câu được mọi loại cá, mọi tầng nước, mọi kích thước cá từ rất nhỏ đến siêu lớn và việc này là bất khả thi với đồ câu của Speed Jigging.

Lợi thế lớn nhất của Slow Pitch Jerk là:  Một bộ đồ câu hạng nặng của Slow Pitch Jerk chuyên câu nước sâu có thể câu được ở khu vực nước nông, nhưng một bộ đồ câu hạng nặng của Speed Jigging thì không thể câu được ở những khu vực nước nông 30 mét – 50 mét. Tương tự, một bộ câu hạng nhẹ của Speed Jigging thì không thể sử dụng cho vùng nước sâu.

Hãy đam mê hơn, khát cháy hơn với những đỉnh cao mới mà Slow Pitch Jerk có thể thiết lập cho bạn trong tương lai vì đây thực sự là một kiểu chơi thật sự bác học và tao nhã.

Hoàng Quốc Trí
VFR