Câu jig phải câu bằng trí

Aug 13, 2012 03:06:03

Theo anh Trí , một trong những người đầu tiên câu được “cá lớn” bằng mồi jig thì: " khi chơi jig cứ thư thả, thấy mệt thì dừng lại, uống 1 tách trà hoặc ly cà phê cho lại sức. Vì một trong những yêu cầu của jigging là phải đánh nhịp nhàng, uyển chuyển mới đạt hiệu quả tối ưu... Câu jig cần dùng "trí" nữa, chứ không chỉ bằng sức". Và chơi jig cũng lắm nhiêu khê, anh Trí cho biết.

PV: Môn jigging đang dần phổ biến trong giới yêu thích câu cá Việt Nam. Nhưng một số người cho rằng cầu jig rất mệt, dễ nản lòng mà xác suất dính cá ít hơn câu bằng mồi sống, theo anh thì thế nào?

Câu cá bằng mồi jig chắc chắn mệt hơn câu bằng mồi sống vì người câu phải hoạt động liên tục: Hai tay họ phải làm các động tác, nói cho dể hình dung là giống người ta chơi “yo-yo” trong khi đôi chân thì luôn nhịp nhàng đứng sóng. Nhưng nếu câu jig đúng kỹ thuật thì giảm được sự mệt mỏi.

Câu jig đúng bài bản không khó. Một số hãng đồ câu có phát hành đĩa DVD hướng dẫn các thao tác cơ bản của bộ môn này. Xem phim, mọi người sẽ rất ngạc nhiên vì các động tác nhập môn khá đơn giản, giống như khi ta tập thể dục vậy: Cũng hai tay cầm hai cục tạ, cúi gập lưng xuống, vươn thẳng lưng lên, kết hợp với động tác tay dang rộng, khép lại, vươn lên… Chúng ta nên tập thành thục các động tác này ở nhà  kết hợp với việc xem nhiều phim câu jig trên mạng internet là ta đã có một số “vốn” kha khá để thực hành nó trên biển.

Câu jig và câu mồi sống là hai kiểu câu khác nhau, cách thức khác nhau, và mỗi người câu mỗi khác, nên sẽ khó so sánh về xác suất dính cá.

Câu jig hiện nay còn khá mới với người câu ở nước ta dù người yêu thích thì nhiều. Do điều kiện của ta còn khó khăn: Số đông người yêu câu biển còn quá bận rộn nên cũng khó mà dứt công việc để đi vài ngày. Thêm vào đó, việc đặt tàu cũng nhiêu khê. Thành thử, một người đi được chuyến đầu, thì rất lâu nữa mới có cơ hội đi chuyến thứ hai, mà cái gì không luyện tập thường xuyên thì khó mà thành thục. Không thành thục thì dễ mệt, dễ mất hứng. Nếu ta ám thị ta rằng ta đang tập chơi một trò chơi của dân câu trên thế giới, họ chơi tốt thì ta cũng phải làm cho bằng được, vừa để xả stress, vừa thách thức chính mình, câu được nhiều cá hay ít cá không quan trọng, quan trọng là biết rõ thêm một cách chơi… (cười). Nếu có thêm các "tiểu xảo:" kiểu như vậy thì tôi nghĩ sẽ giúp người câu vững lòng hơn, đỡ nản hơn.

PV: Ở mực nước sâu bao nhiêu là có thể câu được cá bằng mồi jig? Hiện nay, từ ngữ Light Jigging trở thành một thuật ngữ được nhắc đến rất nhiều trên các diễn đàn câu cá Việt Nam? Anh có thể cho biết Light jigging căn bản là gì? Và khác với Jigging thông thường như thế nào?

Tra từ điển thì jig có nghĩa là “nhảy tung tăng” vậy ta giật thế nào miễn sao cho mồi jig “tung tăng là được”.

Mực nước nào cũng có thể câu được mồi jig. Tuy nhiên phải biết chọn lựa đúng loại mồi jig dành cho các mực nước khác nhau. Và các hãng đồ câu cũng nắm bắt được điều này, họ đã nghiên cứu, sản xuất rất nhiều loại mồi jig cho nhiều tầng nước khác nhau.

Light Jigging và Jigging cũng chỉ là kiểu câu cá bằng mồi jig. Nhưng Light Jigging là kiểu câu jig ở vùng nước nông và êm (thích hợp nhất là trong các vịnh). Light Jiiging bắt nguồn từ Nhật Bản. Có lẽ do vị trí địa lý, thời tiết và thể trạng của người Nhật phù hợp với kiểu câu này. Qua thời gian, trường phái Light Jigging chứng minh được ưu thế: Cần nhỏ và nhẹ, máy nhỏ… nhưng vẫn bắt được cá lớn mà giúp người câu tiết kiệm sức hơn so với kiểu câu jig cơ bản. Đặc biệt là cảm giác dính cá thì tuyệt vời đến khó tả. Với những ưu điểm này, Light Jigging đã đến rộng khắp các nước châu Á và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

PV: Vậy, với đặc điểm địa hình của vùng biển Việt Nam, cùng với vóc dáng, sức khỏe của người Việt ta, Light Jigging là phù hợp nhất?

Suốt một năm qua,  tôi và một vài người bạn, cả trong nước lẫn ngoài nước đã đi thực tế nhiều nơi, đặc biệt là Côn Đảo và Thái Lan. Nhờ bạn bè, tôi có cơ hội được thử nhiều loại cần jig cùng với nhiều loại mồi jig của các hãng danh tiếng. Tôi nhận thấy mồi jig trọng lượng 70gam-110gam rất hiệu quả cho mùa biển êm như tháng 3, 4, 5 và mồi jig trọng lượng 90gam -160gam thích hợp cho những ngày biển không êm hoặc vào thời gian từ tháng 6 đến tháng 10.

Nhưng đây chưa hoàn toàn là Light Jigging. Qua những trải nghiệm thực tế đó, tôi nhận xét rằng: Có rất nhiều điều để nói về Light Jigging, cũng phù hợp và cũng chưa phù hợp với biển nước ta. Xin chia sẻ phần này ở những chuyên mục về jig sắp tới.

PV: Bằng kinh nghiệm thực tế của mình, anh có thể cho biết: Khi chơi môn jigging, cần chú ý điều gì? Và với anh, điều gì căn bản góp phần làm nên sự thành công cho cuộc chơi này?

Các bạn nên đầu tư  từ 1 - 2 bộ cần và máy chuyên câu jig, 20 con mồi jig (chia làm 2-3 action khác nhau với trọng lượng jig từ 70gam – 160gam). Phụ kiện kèm theo không được thiếu bao gồm dây shock, lưỡi jig, găng tay chuyên dụng…Chất lượng cần và máy phụ thuộc vào tài chính và cách chơi của mỗi người, nhưng đừng mua hàng rẻ tiền quá. Vì như các bạn cũng hình dung ra, câu jig là ta treo con jig nặng vào đầu cần, đứng lấp lửng trên mạn tàu. Dính cá hay không dính cá thì cần và máy cũng phải hoạt động liên tục. Vậy cần jig và máy jig làm việc 03 ngày trên biển bằng người ta "câu ngâm" trong 03 năm (đó là tính cho họ đi câu với mật độ dày, và dính cá liên tục). Do vậy, theo tôi, cần và máy phải tốt. Nên của những hãng có tiếng và chuyên nghiệp.

khi chơi jig cứ thư thả, thấy mệt thì dừng lại, uống 1 tách trà hoặc ly cafe cho lại sức. Vì một trong những yêu cầu của jigging là phải đánh nhịp nhàng, uyển chuyển mới đạt hiệu quả tối ưu... Câu jig cần dùng "trí" nữa, chứ không chỉ bằng sức.

Theo ý kiến chủ quan của tôi, câu jig thành công phụ thuộc nhiều yếu tố bên ngoài , ví dụ như:

- Cách neo tàu của thuyền trưởng.
- Cách thả trôi tàu , nếu là cách đánh jig không neo.
- Thời tiết và dòng chảy của nước.
- Cần, máy, dây câu, dây shock, trọng lượng mồi jig (đây là các điều kiện rất quan trọng để tạo được sự chuyển   động như mong muốn cho con jig)
- Số loại mồi jig của người câu -  Ý tôi muốn nói đến các loại jig có action khác nhau .
- Kỹ thuật câu jig của người câu.
- Số lượng người câu jig trên tàu.
- Kinh nghiệm và may mắn.

PV: Một số cần thủ cho rằng: để có thể câu cá bằng mồi jig, cả đoàn phải cùng chơi. Nếu người câu bằng jig, người câu bằng mồi sống sẽ rất khó cho người chơi jig. Anh có thể nói rõ hơn ý kiến của mình?

Hoàn toàn đúng. Vì nếu cả nhóm cùng đánh jig thì sẽ tạo ra hiệu ứng như một đàn cá nhỏ đang tung tăng trong nước biển sẽ giúp thu hút sự chú ý và kích thích cá săn mồi hơn.

Nếu cùng một lúc vừa câu jig, vừa câu mồi sống thì chắc chắn sẽ kém hiệu quả vì khi thả jig sẽ dễ bị vướng vào thẻo câu mồi sống. Bạn cứ thử tưởng tượng, ta vừa jig được vài chục đường và vừa mới tạo được chú ý của cá thì phải quấn dây lên do vướng vào thẻo câu mồi sống. Lúc này mồi jig chỉ là cục chì và mồi mực sống cũng dễ bị chết.

Chúng ta có thể phân chia thời gian: 1 buổi cả tàu cùng câu jig, 1 buổi cả tàu cùng câu mồi sống tùy theo con nước. Như vậy thì cả đoàn cùng vui.

PV: Anh còn có điều gì muốn chia sẽ thêm với các cần thủ?

Còn rất nhiều điều để nói về jigging. Nào là màu nào của mồi jig kích thích cá hơn; Tại sao phải dùng mồi jig của các hãng chuyên một chút mà không phải là tự làm? Chiều dài của cần câu? Khi nào dùng cần dài, khi nào dùng cần ngắn? Hoặc là các loại máy câu: Nên dùng các loại “danh tiếng” như là Saltiga, Catalina,  Ryoga của Daiwa hay Stella SW , Twinpower SW, Ocea Jigger, Calcuta Conquest DC của Shimano... hay chỉ là các loại máy chuyên jig, giá tốt... Vân vân và vân vân. Tại Vietnamfishingreview.com luôn có chuyên mục cụ thể "mổ xẻ" các vấn đề này.

PV: Vậy còn popping?

Chắc chắn sẽ có chia sẻ. (cười)

PV: Cảm ơn anh về cuộc chuyện trò thú vị này.

VietnamFishingReview