Jigging cá Thu Ngàng 87kg ở Phú Yên

Oct 13, 2020 10:35:02

Mười năm có lẽ kể từ ngày tôi tham gia vào môn câu Jigging và viết thành văn bản chia sẻ cùng bạn câu trong và ngoài nước, tôi vẫn giữ quan điểm rằng jigging là môn thể thao vua trong thế giới câu cá, là một bộ môn có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa khoa học, nghệ thuật và bản năng của câu thủ. Bản thân tôi có nhiều điều kiện tiếp xúc với những dụng cụ câu tốt nhất thế giới, những chuyên gia (Field Tester) nổi tiếng và cả những bạn câu trứ danh ở tất cả mọi lĩnh vực, loại hình câu khác nhau nhưng tôi vẫn trung thành với Jigging, chuyên sâu vào jigging, cùng với nó là một tình yêu đặc biệt, và nghiêm túc. Và với kết quả mà tôi vừa đạt được: cá thu Ngàng 87 ki lo gam ở ngư trường Phú Yện trung tuần tháng 9 vừa qua là một minh chứng rõ ràng cho những gì mà tôi tin tưởng và theo đuổi. Tôi vô cùng phấn khích và tự hào, xin chia sẻ cùng các bạn.

Cần Deepliner Logical 55. Máy Ocean Freaks Capcha 60HG. Mồi Deeepiliner Spy C

Hôm đó là một ngày nước Gáu (đục). Cả một buổi sáng quần thảo quanh các khu vực thường xuất hiện cá Cam lớn mà không có gì, anh thuyền trưởng quyết định từ bỏ trận săn Cam “Hugo” của chúng tôi, dời xuống điểm có cá Thu, Mú Thông, cá Cam ở mức cân nặng khoảng 5-7kg, cá Đổng 3-5kg…Chúng tôi đành phải nghe theo dù trong lòng không nhiệt tình lắm với size cá Cam như vậy.

Sau hơn hai tiếng di chuyển trên biển, theo hiệu lệnh của thuyền trưởng, tất cả anh em trong đoàn ngồi bật dậy, bịt mặt đeo găng, cần câu sẵn sàng trên tay. Tất cả miệt mài jig. Hơn nửa giờ trôi qua, không có một tín hiệu khả quan nào. Thấy mọi người nản lòng, tôi trấn an “ Ở đây chắc chắn có cá lớn”. Họ nhìn tôi cười thông cảm, chắc nghĩ rằng tôi nên nói câu nào dễ tin hơn. Tôi không hề nói cho qua, sau bao nhiêu năm tháng đi câu ở khắp các ngư trường, kinh nghiệm chỉ cho tôi thấy những sự vắng lặng này thật khác thường và tôi chắc chắn thấy được điều đặc biệt sau đó. Thuyền trưởng cho thả trôi tàu và cùng chúng tôi dùng bữa trưa rồi chờ con nước lên đầu giờ chiều.

Nước lên, tôi cảm nhận cục diện bắt đầu thay đổi. Sau một vài lượt jig thấp 10-15 mét từ đáy, tôi đổi chiến thuật, jig cao hơn, lên đến 35-40 m tính từ đáy. Và đúng như dự đoán, một tiếng “phựt” rất lớn thoát ra từ đại dương sâu thẳm, dội vào trái tim đang căng cứng vì hồi hộp của tôi, tôi hét lên “Cá lớn! cá lớn!”. Liền sau đó là một cú tuôn dây dài hơn 30 mét từ chiếc máy Capcha 60HG. Tôi hối hả thu dây. Chưa kịp hoàn hồn, một cú chạy 30 mét dây nữa tiếp nối. Bỗng tôi thấy tay mình nhẹ bẫng, thôi xong. Tôi như muốn khụy xuống vì tiếc, cảm giác sẩy cá lớn nó khủng khiếp đến thế nào chắc mọi người hiểu được. Tôi mím môi quay mạnh tay quay thu dây thật nhanh để xem còn một hy vọng nào đó đang lơ lửng trong tầng nước mênh mông này. Thu đến mét dây thứ 30, tôi bỗng khựng lại, có một sức nặng kinh hoàng vẫn còn ở đây. Ngay sau đó, con cá cắm đầu chạy, à thì ra nó chạy nhanh quá, lại chạy lên trên nên tôi tưởng nó đã bỏ tôi mà đi. Tôi tiếp tục gồng mình chịu đựng, mọi thứ xung quanh quay cuồng, tôi muốn quị ngã nhiều lần, tay không còn cảm giác nhưng không dám buông lơi một dây phút nào. 30 phút trôi qua, cuộc chiến không cân sức giữa một bên là một con quái ngư như tảng đá khổng lồ cứ muốn vùng thoát một bên là một con người khao khát làm được một cú để đời, cứ thế chúng tôi giằng co nhau.

Mất thêm hơn 15 phút, khi con cá còn khoảng 30 mét dây thì nó ì ra, không lên được, phần vì nó quá lớn phần vì dây câu quá nhỏ nên tôi không dám mạo hiểm. Tôi, một mặt vừa dùng cần, dùng máy, dùng dây để hãm cá, một mặt nhờ một thủy thủ dùng tay nắm dây để ghìm, để kiểm soát độ căng của dây.  Cứ thế, chúng tôi phối hợp từng nhịp, từng nhịp một, hồi hộp theo từng nhịp thở cho đến khi nhìn thấy một bóng cá khổng lổ lấp loáng trong làn nước biển trong xanh. “Ôi, cá to lắm! cá Cam! Không ! Cá Thu Hũ! Cá Thu…”. Mọi người cuống quýt hét lạc cả giọng. Con cá to đến mức khấu cá cũng phải ngoác. Cũng may còn một chiếc khấu khác nếu không không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Khi đưa được con Cá Thu Ngàng hơn 2 mét lên tàu, một niềm vui sướng tột cùng của tôi, của mọi người mới vỡ òa ra,  niềm vui sướng khôn tả bởi đây là con Cá Thu Ngàng lớn nhất ở Việt Nam được câu bằng mồi Jig, bởi kỹ thuật Slow Pitch Jerk và bởi sự may mắn đến diệu kỳ khi dây leader không bị cắt bởi con siêu quái ngư này.

Hoàng Quốc Trí
VietnamFishingReview

Kinh nghiệm câu cá thu Ngàng

Cá Thu Ngàng là cá vua của loài cá Thu được mệnh danh là con quỉ tốc độ của đại dương có khả năng di chuyển 60m/ phút. Cá mắc câu rồi chưa chắc đã an toàn vì hàm răng của chúng sắc như dao, dễ dàng cắt ngọt dây câu và trốn thoát. Chính vì thế, câu được cá Thu và bắt nó an toàn cần phải có nhiều thất bại trước đó. Xin gợi ý một số kinh nghiệm: 

Cá Thu Ngàng là loại cá săn mồi máu lạnh, bản tính săn mồi cực kỳ hung hãn. Nó có thể lao tới với tốc độc khủng khiếp để xé tan con mồi nhưng chưa chắc muốn nuốt con mồi mà bỏ đi. Khi cảm thấy an toàn nó mới quay lại và táp mồi rồi chạy thục mạng. Đó là lý do tại sao khi câu bằng mồi sống, cần câu gục xuống, câu thủ phải đợi đến 20-30 giây, chờ nó táp mồi, rồi mới từ từ xiết mobin (hay tăng mức hãm dây) và bắt đầu cuộc chiến. Nếu hấp tấp ôm cần chiến đấu ngay thì khả năng sảy cá lên đến 90%.

Cá Thu Ngàng đôi khi bơi từng cặp hay theo bầy, nhưng muốn biết điểm đó có Thu Ngàng hay không thì có thể dựa vào các yếu tố như mùa cá, điểm cá và cá phải về. Một trong những kinh nghiệm nhận biết có cá Thu Ngàng là điểm câu trước đây rất náo nhiệt nay tuyệt nhiên vắng lặng các loại cá.

Câu Thu Ngàng bằng mồi Jig có được không ? Hoàn toàn được nhưng xác suất bắt được không cao bởi hàm răng sắc nhọn và mạnh mẽ của nó sẽ dễ dàng cắt ngọt dây leader. Nhiều người cho rằng dây leader phải nối thêm một đoạn cáp, dây assist cột lưỡi thì phải dùng cáp lụa hoặc dây lõi cáp lụa mới an toàn. Bản thân tôi không dùng dây cáp bởi khu vực câu Thu không chỉ có Thu Ngàng, Thú Chén, Thu Hũ… mà còn có cá loại cá khác. càng ít kim loại trong hệ thống thì độ nhạy cá càng nhiều”. Và đơn giản tôi nghĩ rằng: dùng cáp an toàn nhưng khó săn được cá lớn. Có thêm một giải pháp khác mà sự thành công đã được kiểm chứng, đó là dùng 5m dây fluoro # 10 hoặc # 12 như bình thường, đem gắn với 2m dây fluoro # 20 (70lb đến 80lb) ở phía cuối. Tổ hợp dây ngọn này sẽ yếu hơn so với dây ngọn kim loại nhưng tốt hơn là chỉ dùng dây ngọn #12 và nhạy hơn.

Kỹ thuật:
+ Sử dụng kỹ thuật Hi-Speed Jigging để kích thích cá: Khi Jig di chuyển nhanh, cá Thu Ngàng sẽ điên cuồng đuổi theo và chém bằng được vào mồi, rồi sau đó lượn trở lại để cướp mồi.

+ Sử dụng kỹ thuật Slow- Falling đón đầu đặc tính quay lại thu dọn chiến trường của cá Thu: Khi Jig di chuyển chậm lại và bất ổn định, con cá cho rằng đây chính là phần còn sót lại của con mồi và táp mồi. Cá sẽ tấn công ở phần lưỡi phía đuôi mồi ( xem kỹ góc hình cá dính lưỡi ).

+ Không để mức hãm quá chặt vì mức hãm càng chặt, con cá càng chạy. Đó là phản ứng tự nhiên “tồn tại hoặc chết” của cá. Nên và luôn sử dùng ngón tay trỏ rà vào vào mobin. Động tác này không chỉ tăng mức hãm lên cá mà còn giúp ta cảm nhận được sự “sức khỏe” của cá mà từ đó có chiến thuật chiến đấu.

Đừng tạo action quá nhanh
Cá Thu nói chung không hút mồi vào miệng. Khi chúng trở nên điên cuồng trong việc săn mồi, chúng sẽ lao vào con mồi với khuôn miệng mở toang. Chúng thậm chí không thèm nhắm trúng đích rồi cắn mồi mà dùng răng để chém mồi trong lượt lao tới đầu tiên, và ngay sau đó quay lại nhặt mồi. Tấn công và quay lại lấy phần, hai hành động này hoàn toàn khác nhau, độc lập với nhau. Khi chúng tấn công, đó cũng là khi mà dây ngọn của người câu bị chém đứt. Do đó, đừng tạo ra action nhanh quá. Action nhanh sẽ khiến con cá bị kích động. Một khi chúng bị kích động, chúng sẽ bay tới và chém phăng mồi Jig (và cả dây ngọn). Nếu có thể, hãy để người bạn câu bên cạnh làm điều đó, còn bạn chỉ cần tạo action chậm và biến con Jig của bạn thành một nạn nhân bị thương nặng, mời chúng quay lại mà nhặt nhạnh.


Chúc các bạn thành công!