Sự thật về đồ câu JDM (Japan Domestic Matket)

Nov 21, 2017 11:32:49

Năm 2008 các tín đồ của Stella dậy sóng, không chỉ bởi dòng máy câu Hi-End này có phiên bản mới, mà còn từ lời giải thích của Shimano Nhật Bản về bản nội địa và bản xuất khẩu của dòng máy câu huyền thoại này.

Từ lâu, giới sành chơi đều biết có hai phiên bản trong đồ câu Nhật dù có cùng tên gọi và cùng sản xuất tại Nhật Bản, điều này vốn thể hiện khá rõ trong catalogue. Dù rất ấm ức nhưng người dùng ngoài nước Nhật vẫn phải chấp nhận vì chúng thật sự khác nhau và mức giá cũng khác nhau, chọn dòng nào thuộc quyền của người mua. Thế nhưng năm 2008, Shimano lại cam đoan không có sự phân biệt nào giữa USA Stella và JDM Stella. Có chăng thì cũng chỉ ở dung mạo bên ngoài còn bên trong thì “cả hai như một”.  Rắc rối nằm ở chỗ khách hàng không tin lời tuyên bố này. Họ bắt đầu lao vào một cuộc tìm kiếm, và nhiều vấn đề được mở ra sau đó: JDM Stella SW có tất cả 13 size, mỗi size lại phân theo tỉ số truyền động PG/ HG/ XG trong đó PG nghĩa là Power Gear - tỉ số truyền động thấp dành cho Jigging; HG là High Gear - tỉ số truyền động cao cho Popping;  XG là Extreme Gear hay Extra High Gear - tỉ số truyền động nhanh nhất.  Trong khi đó, USA Stella SW chỉ có 6 size, tên gọi đơn giản ví như SW 8000PG có chỉ số truyền động thấp phân biệt với 8000SW thông thường. Size 5000 là nhỏ nhất. Size 8000 và 10.000 có khung máy khá tương đồng, chỉ khác ống chứa dây. Size 18.000 có tỉ số truyền động cao (HG) và size 20.000 có tỷ số truyền động thấp (PG). Bộ hãm của hai size lớn này có hai vòng đệm, đặt ở trước và sau ống chứa dây. Sức chứa của ống dây đủ cho một trận chiến với cá ngừ bò và Billfish.  Tranh luận nổ ra khắp các diễn đàn và người ta tin rằng so với JDM Stella, USA Stella được làm bằng vật liệu kém hơn; hệ truyền động tệ hơn; các cơ phận vận hành được tân trang lại; còn bạc đạn là loại rẻ tiền… Để dập tắt tin đồn đang lan truyền với tốc độ chóng mặt, nhiều chuyên gia của hãng cùng các tay câu chuyên nghiệp buộc phải vào cuộc. Họ tháo rời từng chi tiết của cả hai loại máy, lập một bảng so sánh và đưa ra kết luận, rằng 100% cả USA Stella SW lẫn JDM Stella SW đều được làm từ một nhóm kỹ sư, chế tác trên cùng một dây chuyền,  sử dụng cùng một loại cơ phận vận hành và sản xuất cùng một thời điểm…

Stella 2008 tạo ra sự tranh cãi lớn về chất lượng giữa model JDM và Model USA

Vậy thì tại sao JDM Stella lại đắt hơn USA Stella ? Đây quả là điều khó giải thích…Người Mỹ lại tiếp tục tìm kiếm: Tay quay của USA Stella SW có màu vàng còn JDM Stella SW lại có màu nòng súng; USA Stella SW có bao đựng khác với  JDM Stella SW; Và USA Stella SW có chữ khắc trên ống chứa dây khác với JDM Stella không có chữ “ARC spool”; Phía sau thân máy JDM Stella SW có in hàng chữ “Aero Wrap” trong khi USA Stella SW lại ghi "Aero Wrap II" và ở JDM Stella có số se-ri khắc trên chân máy (phục vụ bảo hành bảo trì ở Nhật Bản) còn ở USA Stella SW thì tuyệt nhiên không. Không màng phí vận chuyển 110 USD từ Nhật sang Mỹ, một vài tay chơi ở Mỹ quyết tâm mua cho được Stella nội địa Nhật dù phải trả đến 1,310 USD…

Đây không phải là trường hợp cá biệt mô tả sự “sính” Nhật trong thế giới câu cá, không chỉ giới hạn ở các quốc gia châu Á mà còn lan rộng nhiều nơi trên thế giới. Người ta luôn mong muốn mua được hàng Nhật chính hiệu, nói nôm na là hàng cho người Nhật dùng hay còn gọi là hàng JDM.

JDM là từ ám chỉ các sản phẩm được bán cho thị trường Nhật Bản, và trong nhiều trường hợp, chúng được phát triển đặc biệt để phù hợp với sở thích của khách hàng Nhật Bản. Đối với các dòng máy ngang, chúng được điều chỉnh thiết kế để người dùng có thể quăng được các thẻo mồi nhẹ, phù hợp với kiểu câu truyền thống của người Nhật. 

Thực ra, sản phẩm JDM không phải lúc nào cũng được sản xuất tại Nhật. Chỉ một số ít trong đó là được sản xuất tại Nhật Bản, đa phần còn lại được sản xuất tại các nhà máy bên ngoài Nhật Bản như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam...

Đồ câu JDM được thị trường thế giới đón nhận và đánh giá cao như ngày nay là phải ghi nhận công lao của các tay câu chuyên thi đấu của Mỹ, tuy nhiên như đã nói, sản phẩm JDM rất tuyệt nhưng chỉ phù hợp với con cá, người câu, cách câu Nhật Bản, khi ra thị trường khác, nó buộc phải thay đổi để phù hợp. Từ xưa, các nhà sản xuất Nhật Bản đã biết tạo ra các phiên bản tương tự bản JDM bằng cách điều chỉnh một số bộ phận cho tương thích với thị trường ngoài Nhật, gọi là hàng xuất khẩu. Khi thì tay quay - hàng xuất thường lớn hơn; khi thì ống dây- sâu hơn, khi thì cả tay quay và ống dây đều thay đổi. Và giá cũng phải hạ xuống sao cho phù hợp với mức đầu tư của đa số dân câu bản địa và không quá chênh lệnh so với các đối thủ cạnh tranh. Nhiều người tin rằng so với hàng JDM, hàng xuất khẩu có vẻ bền hơn nhưng độ nhạy và hiệu suất sử dụng thì khó thể so sánh. Nhiều câu thủ chuyên câu máy lure ngang nhận xét, sự khác biệt giữa hàng xuất và hàng JDM là khá rõ, nhất là ở các bộ phận như ống dây (cạn hoặc sâu); tay cầm (trang trí cầu kỳ hay đơn giản); số lượng bạc đạn; vật liệu chế tác level wind (đắt tiền hay thường); chi tiết trang trí trên khung máy; bộ phận star drag (bằng kim loại hay nhựa); phanh điều chỉnh sức xoay của ống dây (cao cấp hay hàng thường),..v…v… Linh kiện đồ câu JDM thường nhẹ hơn, tân tiến hơn và đáng tin cậy hơn. Không phải lỗi của nhà sản xuất khi tạo ra một sự chênh lệch khá lớn trong mức chất lượng giữa sản phẩm JDM và xuất khẩu, vì giá bán trung bình của các loại máy câu, kể cả baitcasting lẫn spinning, thực tế hoàn toàn khác nhau, mức chênh khá lớn và hàng JDM luôn cao hơn rất nhiều.

VietnamFishingReview