Cá Tráp biển – Linh vật của Nhật Bản

Nov 09, 2016 04:46:04

Cá Tráp biển là một trong những linh vật của Nhật Bản. Cá Tráp hiện diện trong đời sống và tín ngưỡng của người Nhật không chỉ bởi thịt cá rất thơm ngon mà chính màu đỏ đẹp mắt đã góp phần tôn vinh giá trị của nó như là một món ăn quí trên bàn tiệc. Cũng chính màu đỏ này mà  từ lâu người Nhật còn xem loài cá này là biểu tượng cho sự may mắn. Từ thời Edo, hình ảnh thần Ebisu tay trái đang giữ chặt một con cá Tráp đỏ xuất hiện phổ biến trong tranh ảnh tín ngưỡng của người Nhật.

Lễ hội cá Tráp biển Tai Matsuri

Thần Ebisu là vị thần biểu trưng cho sự bảo trợ thương mại và ngư nghiệp. Tín ngưỡng thờ thần Ebisu được người dân Osaka bảo tồn mạnh mẽ cho đến ngày nay. Theo truyền thống kéo dài từ thời Edo, cứ vào tháng 9 hàng năm, cư dân địa phương tổ chức nghi lễ dâng cá Tráp biển lên đền thờ vị thần này đặt tại trung tâm thành phố. Lễ vật là những con cá Tráp biển lớn và tươi. Khách viếng đền vào dịp này thường đặt tiền hoặc đặt tay lên mình cá Tráp để cầu may mắn và cầu cho công việc làm ăn thuận lợi.

Cá Tráp biển còn là phẩm vật quý để dâng lên thần linh trong các nghi lễ tôn giáo của người Nhật. Hòn đảo nhỏ Shinojima có chu vi khoảng 9 km thuộc tỉnh Aichi là nơi chuyên cung cấp cá Tráp biển cho thị trường toàn quốc, dùng cho mục đích trên. Do tính chất đặc biệt đó nên cá Tráp biển đánh bắt tại đảo được xử lý rất nghiêm ngặt. Cá phải được giữ sống từ khi đưa từ biển vào đến lúc sơ chế. Sau đó, người ta làm sạch cá, bỏ hết ruột và phơi chúng dưới nắng tốt để bảo quản được lâu. Không chỉ loại hết nội tạng, người ta còn rọc bỏ phần xương sống của cá Tráp biển. Trước khi đóng gói, khô cá Tráp được kiểm tra cẩn thận từng con. Mỗi năm, đảo Shinojima có truyền thống dâng lên Đền thờ Ise, ngôi đền Thần đạo nổi tiếng của Nhật 500 con cá Tráp khô để dùng vào việc cúng tế. 

Hình ảnh người người đứng xếp hàng chờ mua cá Tráp biển nướng muối là hình ảnh thường thấy tại Nhật Bản vào những ngày đầu năm mới. Theo truyền thống, cá Tráp biển nướng muối là món ăn không thể thiếu trên bàn thờ của các gia đình vào ngày Tết. Cá Tráp biển nướng cũng là một trong những món được bày biện trên bàn lễ Okui-zome, lễ 100 ngày sinh của trẻ nhỏ được lưu truyền từ thời Hei-an. Trong thánh lễ này, đứa trẻ được cho ăn cá Tráp như là một ước nguyện mau ăn chóng lớn, khỏe mạnh may mắn trên đường đời sau này. Trẻ em Nhật Bản cũng được dạy cách bảo vệ loài cá quý này bằng hành động thả cá về với biển khơi. Đó chỉ là việc làm mang tính tượng trưng nhưng không ít trong số những chú cá nhỏ được thả đi này sẽ trở thành nguồn thực phẩm giá trị khi chúng trưởng thành.

Tuy nhiên, cá Tráp biển chỉ xuất hiện trong các nghi lễ tôn giáo ở giai đoạn sau thế kỷ XV. Trước đó, các thầy tu trong Thần đạo chỉ sử dụng cá Chép. Lý do là vào thời điểm đó, ngư nghiệp chưa phát triển và nguồn hải sản đánh bắt còn hạn chế. Ngoài ra, đây cũng là lúc người Nhật chịu ảnh hưởng mạnh của văn hoá du nhập từ Trung Quốc.  Cá Tráp biển thật sự trở nên phổ biến ở Nhật Bản khi giới võ sĩ Samurai lên nắm quyền, vào thời Edo, bắt đầu được sử dụng làm biểu tượng cho sức mạnh và may mắn. Ngạnh sắc nhọn cùng lớp vảy cứng của loài cá này là nguồn cảm hứng để tạo ra những bộ áo giáp của chiến binh Samurai. Và cũng chính sự ngang ngạnh và cứng cỏi của loài cá này đã tạo nên một nguồn cảm hứng bất tận cho cần thủ Nhật Bản và thế giới.

Cá Tráp luôn là nguồn cảm hứng bất tận của cần thủ

Câu cá Tráp theo kiểu truyền thống Nhật Bản
Vì là cá quí, ngay từ xa xưa, ngư dân chỉ dùng dây câu để bắt cá Tráp biển và phải luôn giữ cho cá sống. Mồi câu cá Tráp biển được họ sử dụng chủ yếu là những con mực nhỏ xíu vì đây là món ăn khoái khẩu của chúng. Mực để làm mồi câu cá Tráp biển phải còn sống nên việc bảo quản rất quan trọng. Người câu cũng phải có đủ khéo léo và kỹ thuật để móc mồi sao cho những con mực vẫn còn đủ sức bơi trong nước. Ngoài mực nhỏ thì cá Ikanago cũng được dùng làm mồi câu.

Không cầu kỳ như mực sống, cá Ikanago chỉ cần tươi khi đã chết. Người câu dùng một chiếc ống nhựa có nắp đậy, dài 50cm để câu mồi Ikanago, họ gọi là ống nhử. Người ta cho cá Ikanago còn sống vào ống nhử rồi đem ném xuống biển. Một đầu ống được đậy chặt để ngăn không cho cá thoát ra ngoài trong quá trình rơi và chìm xuống biển sâu, đầu kia được cột vào một sợi dây dài, trên đó có gắn nhiều dây câu. Khi rơi đến độ sâu cần thiết, người câu sẽ giật mạnh dây để mở nắp ống ra, giải thoát lũ cá Ikanago để chúng dụ cá tráp biển đến ăn mồi. Điểm thả mồi rất quan trọng, thường là giao điểm giữa hai luồng nước. Kiểu câu này tận dụng khoảnh khắc cá Tráp biển đang hăng say ăn mồi sẽ đớp luôn cả mồi câu đính trên các lưỡi câu đi cùng. Cá Tráp biển rất háu mồi, chỉ cần vài phút sau khi thả câu, cá đã mắc câu. 

Nghề câu cá Tráp biển truyền thống này có lịch sử hàng trăm năm và nay vẫn được các ngư dân lớn tuổi ở tỉnh Ehemi theo đuổi. Những lão ngư có 30 năm làm nghề câu cá Tráp biển sẽ được xếp vào bậc Sakura nhờ tài câu cá giỏi cùng kinh nghiệm dày dặn. Tại Nhật, những ngư dân câu cá Tráp biển được chia ra làm 3 bậc dựa vào tay nghề. Bậc Sakura là cao nhất.

Ngày nay, bên cạnh cách câu truyền thống, câu thủ Nhật Bản còn sáng tạo ra nhiều kỹ thuật câu rất đặc biệt ứng dụng cho loài cá này như kiểu câu câu madai, câu mồi inchiku, Kabura Jig mà VietnamFishingReview đã từng mô tả.

Nhu cầu của thị trường nội địa về cá Tráp biển quá lớn, việc chỉ đánh bắt ngoài tự nhiên không kham nổi, đành phải nuôi cá Tráp ở các bè ven biển. Ban đầu, người nuôi cá Tráp chỉ chú trọng đến việc cho chúng ăn thực phẩm nào để mau lớn nên cá nuôi luôn được người mua đánh giá là kém chất lượng, màu xấu, không thể so với cá tự nhiên. Để thay đổi suy nghĩ này, người nuôi cá bè ở nhật đã tìm mọi biện pháp để làm cho cá ngon và đẹp như cá tự nhiên, thậm chí hơn, và họ đã làm được điều đó. Trước hết, họ cho cá giống ăn tám loại thức ăn trải dài từ giai đoạn cá còn non cho đến khi trưởng thành. Kích thước của những viên thức ăn này lớn nhỏ không đồng đều tuỳ theo giai đoạn sinh trưởng của cá. Nguồn thức ăn cho cá rất giàu vitamin và khoáng chất, được chính những chủ trang trại tự nghiên cứu, sản xuất nên rất an toàn và hiệu quả. Nhờ đó, thịt cá nuôi giờ đây vừa chắc, vừa ngọt...

Cá Tráp biển, loại thực phẩm bổ dưỡng luôn được ưa thích tại đất nước Mặt Trời Mọc

Ngoài chất lượng thịt, người nuôi cá còn chú trọng đến màu sắc bên ngoài của cá Tráp biển nuôi. Đây là công việc rất công phu. Cá Tráp biển nuôi thường có da xám nắng rất xấu trong khi cá tự nhiên có da hồng sáng. Lý do là cá Tráp biển tự nhiên sinh sống ở vùng nước sâu, ít bị ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời. Trái lại, cá Tráp biển nuôi sống trong bè cá gần mặt nước, hấp thụ nắng chiếu trực tiếp nên da chúng trở nên đen sạm. Giải pháp là phủ lưới đen lên tất cả bè cá nuôi, những tấm lưới màu đen tỏ ra có hiệu quả trong việc hạn chế ánh nắng mặt trời.

Ngoài ánh nắng mặt trời, màu hồng trên da cá Tráp biển tự nhiên còn được quyết định bởi nguồn thức ăn của chúng. Cá Tráp biển tự nhiên ăn tôm và cua, khi vào cơ thể cá, sắc tố đỏ có trong tôm, cua chuyển hoá, sau đó thể hiện ra bề ngoài của cá.

Để cá có màu đỏ đẹp mắt, những người nuôi cá đã sử dụng loại hoa có sắc đỏ thẫm làm nguyên liệu chế biến thức ăn cho cá. Nguồn thức ăn này được cá Tráp biển tiêu thụ lâu ngày, vì vậy, nó cũng có tác dụng trên cơ thể cá tương tự như cá ngoài tự nhiên.

Ngày nay, cá Tráp biển nuôi không còn là mặt hàng kém chất lượng, vẻ đẹp bên ngoài của con cá cùng vị thơm ngon của thịt cá đã được người tiêu dùng công nhận. Nguồn cá tự nhiên ngày càng khan hiếm, hiện chỉ chiếm 20% nguồn cung trong khi cá nuôi chiếm đến 80%.

- Đón đọc bài tiếp theo: Mồi Dango – Bí quyết câu cá Tráp đen xứ Phù Tang.

VietnamFishingReview

* Bài viết liên quan:
- Tai-Kabura, kiểu câu truyền thống Nhật Bản