Tai-Kabura, kiểu câu truyền thống Nhật Bản

Sep 02, 2016 03:49:27

Hình ảnh những người đàn ông phương Tây, tay ôm một con cá hồng lớn, lơ lửng bên cạnh là một đầu chì, lấp ló những sợi silicone, rất phổ biến trên các kênh câu cá thể thao cũng như trên youtube. Thủ phạm gây nên những cú bắt giữ ngoạn mục này chính là Kabura, một loại mồi jig trong kỹ thuật câu biến thể từ các phương pháp câu truyền thống gọi là Tai-Kabura của Nhật Bản. Tuy Chữ "Tai" trong Tai-Kabura là cá Hồng (Red snapper) nhưng phương pháp này đặc biệt hiệu quả không chỉ với cá Hồng, mà còn cá Tráp đỏ và cá Mú.

Thủ phạm gây nên cú bắt giữ ngoạn mục này chính là Kabura Jig

Khác với các kiểu câu chú trọng vào việc tạo action cho mồi, câu Tai-Kabura, người câu không cần thực hiện bất kỳ hành động nào cả, Chỉ cần thu dây thật ổn định, chậm rãi, từ 0,5-2 vòng cho mỗi giây, “nhân tố bí ẩn” thuộc về mồi Kabura Jig. Mồi được thiết kế cực kỳ thông thái, có mối liên hệ không nhỏ với mồi Fly trong kỹ thuật câu Fly nước mặn, vô cùng tinh tế trong việc điều khiển con mồi có những sợi tua bay, lượn xuống đáy sâu, bắt cá bằng sự mềm mại, uyển chuyển.

Mồi được thiết kế cực kỳ tinh tế trong việc điều khiển con mồi có những sợi tua bay, lượn

Kabura Jig bao gồm 2 bộ phận: Đầu jig hình tròn và dải tua bằng cao su hoặc silicon có ít nhất là 2 màu sặc sỡ. Các dải tua này rất nhẹ, bay phấp phới vòng quanh, 2 lưỡi câu nhỏ và sắc được cột bằng dây bện gắn cùng với các dải tua này. Khi thả mồi xuống đáy, đầu Jig nặng lướt dọc theo dây, rơi nhanh xuống, tua bay nhẹ nhàng theo sau. Khi mồi xuống đến mực sâu, 50m chẳng hạn, khoảng cách giữa đầu jig và tua bay là 2 mét. Vì sao mồi Kabura Jig hiệu quả? Vì bạn đã đưa xuống làn nước sâu một vật nhỏ,nhanh, lượn lờ tự do vô cùng hấp dẫn. Cá Hồng, cá Mú là loại săn mồi rất cơ hội, chúng chẳng thể nào cưỡng lại được trước các mục tiêu quá dễ dàng.

Kabura Jig có đầu hình tròn và dải tua bằng cao su hoặc silicon có ít nhất là 2 màu sặc sỡ

Tuy nhiên, vì đầu jig nặng, khi rơi xuống đáy, khoảng cách giữa nó và tua bay (có kèm lưỡi) khá xa, điều này ngăn chặn những kết nối trực tiếp giữa 2 bộ phận này, người câu sẽ khó cảm nhận cú táp từ cá, vì thế việc không làm gì ngoài việc cứ chậm rãi quay thu đầu jig lên, đến khi đầu jig lên đến phần trên cùng của tua bay thì đóng lưỡi là một kinh nghiệm hay.

Kỹ thuật câu:
“Có thể thử nhiều tốc độ thu dây khác nhau, nhưng tạo càng nhiều hành động thì càng kém hiệu quả”, đó gần như là một tôn chỉ khi câu Tai-Kabura của người Nhật. Kỹ thuật đơn giản chỉ gồm các bước:

- Thả mồi xuống mặt đáy.
- Quay thu dây chậm, nâng mồi lên cách đáy khoảng 10m
- Lại thả và lặp lại hành động trên
- Khi cảm thấy cá táp nhẹ mồi, tiếp tục thu dây chậm đến khi đóng lưỡi.

Kabura Jigging, kiểu câu đơn giản mà hiệu quả

Cá Hồng, Mú rất lười đuổi theo mồi, chúng thích loại mồi di chuyển chậm. Chúng cũng muốn nhử mồi để chọc phá, cắn hoặc nhấm nháp nên trong quá trình câu có kết hợp tạm dừng sẽ tốt hơn. Hãy sử dụng chuyển động để thu hút cá để ý đến mồi giả, sau đó làm mồi chậm lại hoặc ngưng lại như chết trên mặt đáy để khuyến khích cá tấn công mồi.

Thả mồi xuống đáy nhanh nhất có thể, sau đó quay thu dây thật chậm để tìm ra độ sâu mà cá lưu trú, có thể cách đáy từ 1, 2 hay 20 vòng thu dây. Với mồi Kabura Jig, thường thì cá sẽ quan tâm đến mồi ở tầng nước gần đáy hơn các loại mồi jig khác, có lẽ vì đầu jig và tua bay ở khá xa nhau khi đầu jig chạm đáy.

Một kỹ thuật khác cũng hiệu nghiệm không kém là thu dây thật chậm, nâng mồi lên khỏi đáy khoảng 1/3 độ sâu (20-30 vòng quay máy), và sau đó cho mồi rơi xuống trở lại đáy. Khi cảm thấy cá gặm mồi, đừng ngưng thu dây. Nếu cảm thấy như thể cá đã dính câu, hãy nhấc cần và quét mồi thật nhanh và mạnh.

Dụng cụ câu
Kỹ thuật này liên quan nhiều đến việc thả mồi và quay thu dây nên hãy dùng đồ câu thật nhỏ gọn và chất lượng. Cần câu nên có đọt mềm, độ bật tốt. Trên thị trường cũng có những loại cần chuyên dành cho kiễu câu này.

Câu Kabura, sử dụng cần Baitcast hay Spinning đều được

Dây bện khoảng 7-10kg là đạt. Dây càng thô, càng kháng nước. Vì mắt thường khó thể nhận ra nên hãy dùng 2 ngón tay vuốt dọc theo dây và cố chọn cho mình loại mịn màng, trơn mượt. Chất lượng dây cũng tác động đáng kể lên mồi giả. 

Dây ngọn fluoro có thể là 20lb, thậm chí 30lb nếu cần thiết. Đầu jig sẽ trượt lên xuống trên dây ngọn, vì vậy hãy luôn để mắt đến dây ngọn để phát hiện kịp thời các vết sờn, rách nghiêm trọng nào đó. Chiều dài dây ngọn khoảng 2m.

Khi đề cập đến việc chọn đầu jig, các chuyên gia cho rằng trọng lượng nặng hơn có vẻ làm việc tốt hơn. Độ sâu đến 30m-50m thì dùng đầu jig 60g; sâu hơn thì tăng trọng lượng lên đến 100g… Quan trọng là làm sao cho mồi xuống đáy và biết được khi nào chạm đáy, vì điều này giúp bạn xác định được nơi nào cá hiện diện và 'quan tâm' đến mồi. Tại sao lại nói là “quan tâm” thay vì “táp” mồi? thường thì sẽ cảm thấy một sự táp nhẹ vào mồi, nghĩa là mới chỉ “quan tâm', cần phải trêu chọc cá để nó táp mạnh vào dải tua bay, sẽ vô cùng thú vị và có thể làm nên một sự khác biệt lớn. Chắc chắn, với Kabura, bắt cá rất dễ, nhưng muốn thực sự làm chủ cuộc chơi vẫn cần có thời gian trêu, nhử trước khi vào trận.

Dây tua màu cam và hồng thường được ưa chuộng cho kiểu mồi này

Khi lựa chọn tua bay cho mồi, hãy chắc rằng chúng bền và cột túm vào nhau hoàn hảo, nếu không sẽ rất tốn kém. Sự lựa chọn màu sắc, nguyên tắc cũng giống như với tất cả các loại mồi giả khác: Mỗi ngày, mỗi đợt hiệu nghiệm với một màu nên hãy thử nghiệm để tìm ra cái phù hợp. Dây tua màu cam và hồng thường được ưa chuộng cho kiểu mồi này.

VietnamFishingReview