Minnow Lure - Phần 1

May 05, 2016 09:59:49

Ngày 17 tháng 8 năm 1962, tràn ngập trên mặt báo của tạp chí Life, một tạp chí danh giá của nước Mỹ, là những thông điệp đau buồn về cái chết bất ngờ của nữ minh tinh nổi tiếng Marilyn Monroe. Cũng ngày hôm đó, không hề toan tính, thương hiệu mồi giả Rapala của đất nước Phần Lan xa xôi đã đăng trang quảng cáo đầu tiên trên đất Mỹ cũng trên tạp chí này. Ấn phẩm đặc biệt đó nhanh chóng được bán ra với số lượng kỷ lục, đưa tên tuổi của Rapala đến với vô số hộ gia đình trên khắp nước Mỹ.

Thật ra Rapala không hoàn toàn xa lạ với người Mỹ yêu Lure. Từ con mồi giả cá Minnow được làm từ một mảnh vỏ cây, đem bọc thiếc và gắn lưỡi mà nhà sáng lập Lauri Rapala làm ra vào năm 1936, đã đưa tên tuổi Rapala đi xa, làm điên đảo những thợ câu Phần Lan vốn câu cá không phải vì thú vui mà vì sinh tồn. Năm 1950, Minnow của Rapala sang Mỹ, được tinh chế hơn, sơn phết công phu hơn với nhiều màu sắc tươi sáng. Hãng vẫn tuân thủ nguyên tắc cơ bản của Lauri Rapala trong việc chế tác mồi minnow, đó là vẫn làm bằng tay, nguyên liệu là gỗ Balsa lấy từ các cánh rừng Nam Mỹ.

Mồi minnow Rapala được làm bằng tay, nguyên liệu là gỗ Balsa

Mồi được cắt, gọt với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Mỗi con mồi có đính một chiếc thìa nhỏ bằng nhựa. Kết cấu của mồi quyết định action , để chúng lặn sâu, bơi ngoằn ngoèo, hay nổi gần mặt nước. Chúng cũng có các công đoạn sơn rất phức tạp để có màu bạc thực dụng, nâu và xanh da trời hết sức phô trương, màu cam pha Tiger và xanh lục tươi sáng… Minnow của Rapala vẫn tuân thủ phương pháp làm bằng tay truyền thống ở Phần Lan nên không đáp ứng đủ nhu cầu, do đó các tay câu của Mỹ đành phải thuê mồi để câu với giá 5 USD/ngày, cộng thêm phần đặt cọc là 20USD, mất lure là mất tiền đặt cọc.

Dần dần, Rapala cũng có nhiều cải cách trong qui trình sản xuất mồi giả. Công ty sử dụng nhiều nhà thực nghiệm hiện trường để đánh giá hiệu quả của mồi. Bộ máy của Rapala vẫn ở Phần Lan nhưng đội ngũ phát triển sản phẩm của công ty làm việc với các kỹ sư để thực hiện các mẫu dựa vào phân tích của máy tính.

Mẫu nào được các nhà kiểm tra thực địa thông qua sẽ đưa vào sản xuất đại trà. Trên dây chuyền sản xuất, mỗi con mồi minnow có thể được tiếp xúc với khoảng 40 người và lưu lại trên tay mỗi người từ 3-4 phút. Sau cùng, một nhà thực nghiệm sẽ thử nghiệm lại mồi ở một hồ chứa nước trước khi đóng gói. Giá thành sản phẩm từ 4.49 $ -20.89$ tùy model.

Người Phần Lan, người Mỹ và nhiều nơi khác thường lấy sự thành công của Rapala làm gương điển hình cho một triết lý kinh doanh thuận theo “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Đối với họ, thành công của Rapala không chỉ nhờ vào sự nhạy bén mà còn là may mắn, mà đỉnh điểm chính là xuất hiện đúng thời điểm (trang quảng cáo đầu tiên của họ rơi đúng vào sự kiện Marilyn Monroe). May mắn và tài năng của Rapala đã thắp lửa cho hàng loạt các công ty sản xuất mồi giả trên khắp thế giới. Và mồi Minnow đã trở thành con mồi huyền thoại, chinh phục mọi thử thách ở mọi vùng nước trên trái đất này.

Minnow là tên gọi của một loài cá nhỏ chuyên làm mồi câu. Minnow lure có hình dáng thuôn dài, khi bơi rất giống với loài cá đối, cá trích nhỏ, không ầm ĩ, không quá lắc lư, ít run rẩy nên trông rất tự nhiên và rất thật. Mồi giả Minnow cũng thể hiện được sự thấu hiểu của các nhà sản xuất về các đặc tính sinh học của các loài cá săn mồi (nhất là Vược), đó là thích ăn các loài cá thon thả dễ nuốt hơn là các loại gồ ghề, phình ngang hông.

Trước đây, mồi minnow chủ yếu được làm từ gỗ balsa, nay đa phần là nhựa cứng. Gỗ thì nhẹ hơn nhựa và không vững nên khó quăng hơn. Nó cũng không bền bằng nhựa. Khi ngừng thu dây, mồi có xu hướng trồi lên mặt nước. Lưỡi nhựa ở phía trước quyết định độ sâu của mồi, độ lặn tối đa của Minnow có loại lên đến 4m, thông thường là từ 30-150cm. Minnow có 3 loại: nổi, lửng và chìm trong đó mồi nổi là loại phổ biến nhất.

Mồi Minnow K-Ten 140TKW danh tiếng của hãng Tackle House - Nhật Bản

Mồi minnow nổi không lặn quá sâu. Độ lặn tùy theo từng hãng, ví dụ như Daiwa/Shimano từ 0-30cm; 50-120cm; 30-80cm; 80-150cm; K-Ten (Tackle House, Nhật Bản) từ 0-70cm; Astraia (Eclipse – Nhật Bản) từ 40-80cm…

Mồi Minnow nổi luôn được xếp vào hàng Top trong kiểu câu rê mồi từ trên bờ và trên thuyền, dọc theo các bờ ao, hồ, đầm, sông, biển hoặc ở các vùng đá ngầm, các khu vực rong rêu ẩn dưới nước. Mồi minnow nổi vô cùng hữu dụng với nước trong, hoặc câu đêm vì cá từ dưới đáy có thể thấy được bóng mồi phản chiếu gần mặt nước.

Mồi T.D Minnow lửng nổi tiếng của hãng Daiwa

Mồi minnow lửng được thiết kế để xuống đến mực sâu đã định sẵn (thông tin về độ lặn ghi trên hộp). Tại mực sâu này, mồi sẽ lơ lửng khi người câu tạm ngừng thu dây. Mồi lửng là loại mồi không chìm không nổi mà có chiều hướng, hoặc là dịch chuyển theo phương ngang hoặc ở một góc, hoặc lơ lửng cùng với sự cử động nhẹ của vây và đuôi. Mồi minnow lửng cũng có một sức hấp dẫn đặc biệt, chúng có khả năng lôi kéo được một con Vược ở bên dưới hàng vài mét lao lên tấn công mồi.

Mồi chìm Daiwa Shoreline Shiner R-140S của hãng Daiwa

Mồi minnow chìm: Mồi này được thiết kế để chìm ở tốc độ khoảng 30cm/giây. Loại mồi này hoạt động tuyệt vời ở những nơi có nhiều lùm bụi và biết được mực sâu. Loại mồi chìm này được ưa chuộng trong kiểu câu đếm (count down) cho bất cứ độ sâu nào, ví dụ đó là nơi có bụi rậm hoặc cây chìm xuống khoảng 1.5-3m, mồi sẽ được quăng đến mục tiêu, người câu đếm ngược vài giây cho đến khi mồi trồi lên bên trên mục tiêu thì sẽ bắt đầu thu dây.

(còn tiếp)
VietnamFishingReview