Độc Đáo Slow Pitch Jigging (Phần 4)

Oct 21, 2015 04:06:05

Dây càng lớn càng dễ mất Jig, tuyên ngôn nghe có vẻ ngược ngạo, “điên rồ” ấy lại là một thực tế trong trò chơi Slow Pitch Jigging. Có lẽ minh triết của kiểu câu này là muốn thách đố người câu, thách đố con cá, thách đố cả những nhà chế tác dụng cụ câu. Slow Pitch Jigging khuyến nghị sử dụng dây PE từ #1.2 và tối đa chỉ #2, nghĩa là đường kính không quá 0.24mm. Đây không chỉ là việc tạo ra một thách thức, muốn biến cái không thể thành có thể, mà còn thể hiện một sự am hiểu rất thông tuệ của những người sáng tạo ra trò chơi này.

Nếu như con người chỉ có hai lỗ tai và nghe được ở tần số từ 20Hz-20.000Hz thì con cá có rất nhiều “tai” chạy dọc suốt chiều dài cơ thể, nôm na là bộ phận nào cũng có thể nghe được và nghe trong phạm vi từ 20Hz-2.000Hz, một tần số khá thấp. Sống trong thế giới nước, cá phụ thuộc hoàn toàn vào những gì nó nghe chứ không phải nhìn thấy, cũng như con người phụ thuộc 90% vào sự nhìn vậy. Và dây câu chính là yếu tố tạo ra âm thanh chứ không phải những tiếng khua lách cách của lưỡi của khoen, càng không phải là cần hay máy. Trong nước, âm thanh được dẫn truyền nhanh và xa hơn nhiều so với trong môi trường không khí. Khi câu thủ tích cực làm cho dây chuyển động để điều khiển mồi Jig là họ đang đưa vào thế giới của cá những sóng âm. Tầm nhìn của cá rất yếu, chúng còn không thể thấy hình dáng con mồi nên chỉ lưu tâm đến chuyển động. Nhiều nghiên cứu cho thấy, cá luôn bị chinh phục bởi các chuyển động, kiểu như chẳng có phương hướng gì, bất ổn, xoay nhanh; hoặc chạy vút đi, lao ra từ đàn một cách hoảng loạn, hoặc đột nhiên bất tỉnh, ngừng chuyển động… Trong các kiểu chuyển động này, cá thích loại cuối cùng nhất. Môn Slow Pitch Jigging căn bản dựa chính vào điểm đặc trưng này, tạo cho con mồi những chuyển động theo phương ngang, bước ngắn, liên tục chứ không phải chuyển động nhanh theo chiều dọc.

Slow Pitch Jigging ưu tiên việc thực thi chuyển động hiệu quả, nghĩa là muốn chinh phục con cá đến tận cùng, do đó cần câu phải nhạy, phải có độ đàn hồi hoàn hảo để điều khiển cho Jig hành động đúng. Tuy nhiên, trước khi cần câu có thể tác động đến hành động của mồi, nó phải điều khiển được dây câu. Dây càng mảnh, càng ít bị tác động bởi dòng chảy, con jig sẽ được nâng lên, hết sức mềm mại sau mỗi lần rơi. Dây càng mảnh thì con đường liên lạc giữa người câu và mồi jig càng thẳng hàng và đây chính là chìa khóa của Slow Pitch Jigging. Dây càng mảnh càng ít cản nước, càng ít dây chùng, càng thông tin được nhiều đến người câu giúp họ càng nhạy bén (cần nhớ dây chùng là kẻ thù của Slow Pitch Jigging vì nó phá hủy mọi action của mồi, cắt đứt mọi liên hệ giữa người câu với mồi Jig).

Nhiều ích lợi thế nhưng tại sao nhiều người vẫn muốn dùng PE4 thay vì PE2? Vì muốn bắt cá lớn mà không bị cảm giác run rẩy, sợ hãi? Vì không muốn mất Jig? Nhưng có phải dây lớn thì bắt được cá lớn không? Dây càng lớn càng giữ được an toàn cho Jig không? Câu trả lời là:

Dây càng lớn càng dễ mất Jig

Người viết không muốn chơi chữ ở đây khi lặp lại câu nói này của Sato Sensei nhưng đó là sự thật. Nước là yếu tố có vai trò rất lớn trong sự thành bại của câu Jig, con cá tìm kiếm, săn đuổi con mồi hầu như nhờ vào cảm nhận sự chuyển động trong nước qua những rung động và nhiễu loạn. Dây càng lớn thì khả năng tạo ra sự nhiễu loạn càng lớn khiến cá dễ “nhìn” thấy, khi đó, đoạn dây ngọn 8m cộng với con Jig 10cm có thể trông giống như một vật thể dài 8.1 mét. Con cá luôn ở trạng thái tập trung cao độ tại thời điểm chạy nước rút của tiến trình săn đuổi con mồi, nó luôn đề cao cảnh giác và sẵn sàng hủy bỏ cuộc săn bắt bất kỳ lúc nào nếu cảm thấy không an toàn, cho nên ý muốn bắt cá lớn trong tình huống này của người câu có thể bị phá sản.

Dây Shimano Ocea EX8 được cho là mạnh và tốt nhất hiện nay

Bên cạnh đó, dây lớn rất cản nước, nếu câu ở độ sâu 50m thì tưởng tượng xem sẽ có bao nhiêu mét dây chùng? chỉ cần 2 mét dây chùng thôi cũng đã khiến việc điều khiển mồi Jig khó khăn khôn cùng. Trong Hi-Speed Jigging, máy câu hoạt động rất nhanh và liên tục, mục đích là để di chuyển nhanh con Jig, nhưng thực ra hành động này là để thu nhanh dây chùng chứ không phải để Jig đi nhanh. Còn đây là Slow Pitch chứ không phải Hi-Speed, và dây chùng nhiều là một trở ngại vô cùng lớn. Slow Pitch Jigging yêu cầu mồi, dây, người câu càng thẳng hàng càng tốt và nước là yếu tố tác động lớn nhất đến trật tự này. Nếu gặp nước chảy mạnh, dùng dây lớn, thì khoảng dây kết nối giữa câu thủ và mồi Jig có hình vòng cung, lúc đó con Jig có thể không chạm đáy, còn người câu thì không có cách gì có thể điều khiển con jig được cả cho dù có quay máy thu dây như điên cuồng, nếu có tác động được chút ít thì Jig cũng sẽ chậm chạp, lặng lẽ, dâng lên nhưng như một thanh kim loại vô hồn. Còn khi gặp dòng chảy đa tầng thì sao? Tác động của nước quá mạnh sẽ khiến sợi dây lớn oằn xuống ngoằn ngoèo lồi lõm như hình chữ S, mồi câu đã bị nước lôi đi xa, mất jig, không giống như khi câu mồi thật, chẳng có cơ hội nào cho jigging ở những tình huống như thế này.

Phần thú vị nhất của Slow Pitch Jigging chính là sự nhạy cảm, muốn nhạy phải tiếp cận được nhiều thông tin, muốn tiếp nhận nhiều thông tin phải kết nối được với mồi Jig và đó là lý do tại sao phải dùng dây càng mảnh càng tốt. Dây mảnh ít bị tác động bởi dòng chảy, dây giữ cho người câu và con mồi ở thế thẳng hàng trên một đường thẳng, nó cho phép di chuyển mồi Jig trong sự kiểm soát, cung cấp nhiều thông tin về sự chuyển động của mồi Jig, vì thế câu thủ sẽ kết nối được với con cá nhiều hơn, liên tục hơn và hiệu quả hơn. Khi kiểm soát tốt mồi Jig, cảm nhận được những gì xảy ra với con mồi, người câu sẽ biết khi nào cần phải thay đổi, từ cách thiết lập đồ câu cho đến chiến thuật đánh, loại mồi sử dụng.

Có thể ví von thế này, dùng dây lớn thì chỉ có thể tiếp cận được với nước, dùng dây mảnh thì liên lạc với Jig, mới điều khiển được nó, mới có cá, vậy ta chọn cái nào?  Người câu muốn dùng dây lớn thường là do họ đã từng bị đứt dây với cá lớn và muốn chạm tới một size cá ước mơ nào đó. Vậy dây mảnh, PE1.5 chẳng hạn, có bắt được cá lớn trên 10kg không? Với loại dây PE đường kính không quá 0.24mm, sức tải chỉ từ 33-40lb, nghe có vẻ không đáng tin để câu cá trên 10kg! Chắc chắn một con cá trên 10kg thì sẽ rất khỏe và dai sức nhưng sức mạnh này đang ở trong nước, cuối một sợi dây dài, khi đó lực va chạm sẽ bị phân tán theo chiều dài của dây. Ngoài ra, sự cản nước của dây cũng làm cá giảm đi sức mạnh, dây rất khó bị đứt, có chăng chỉ là đứt ở nút thắt hoặc ngoác/ gãy lưỡi.

Muốn câu được cá lớn với dây mảnh, ngoài sự tự tin, niềm tin, người câu cần phải có kỹ năng chiến đấu, trong trường hợp này đó là kỹ thuật không xốc cần. Hãy mạnh dạn dùng dây mảnh, đừng nghĩ nhiều về cá lớn mà hãy nghĩ xem làm thế nào để điều khiển mồi Jig một cách ngoạn mục nhất, xem những thông tin gì có thể thu thập được từ dây, cảm nhận loại dòng chảy nào đang tác động …

Phải là dây PE
Bạn bè chúng tôi thường hay nói với nhau rằng trò chơi này mang đậm bản sắc Nhật Bản, cái gì cũng phải nhỏ, phải nhẹ, hiệu quả đến mức khó tin nhưng cũng cực kỳ tốn kém. Có thể đưa Slow Pitch Jigging vào danh mục những trò chơi đắt đỏ nhất, và dây câu đứng đầu danh sách những dụng cụ không thể sơ sài. Slow Pitch Jigging khuyến nghị câu thủ phải dùng dây PE vì đây là loại dây có nhiều tính chất rất đặc biệt, phù hợp với yêu cầu khắt khe của kỹ thuật này, ví dụ như rất mạnh trong một đường kính rất nhỏ; không co dãn… Có khá nhiều loại dây PE trên thị trường và không phải loại nào cũng tốt. Thông thường, người Nhật đo dây theo tiêu chuẩn #2 tương đương với đường kính 0.235mm, dây PE là dây bện, không đo theo cách này. Một số dây PE2 trông rất “mập mạp”, nếu như nhìn kỹ sẽ thấy các sợi bện vào nhau khá lỏng lẻo. Độ mạnh của dây mỗi thương hiệu mỗi khác, thông thường PE2 có sức tải từ 30-40lb. Mỗi máy câu Slow Pitch chứa trung bình 400-600m tùy mực nước, với loại dây đạt chuẩn, một máy có thể phải đầu tư ban đầu 3-5 triệu đồng. Không nên tiết kiệm bằng cách dùng dây giá rẻ hoặc ít dây vì kiểu câu này buộc phải bắt cá bằng dây mảnh, cần thon, nhỏ, và không thể biết sẽ câu lên cá gì, size lớn cỡ nào nên máy phải nhiều dây để thả cho cá chạy mới tóm được nó. Một số bí kíp tiết kiệm có thể áp dụng như sau: Số lượng dây PE cần dùng bằng 2 lần số đo độ sâu. Ví dụ mực sâu muốn câu là 50-100 mét  thì số dây PE cần tối thiểu là 100-200 mét; phần hụt còn lại trong ống dây sẽ được nối dây mono #16 (55lb). Bằng cách này có thể tận dụng hết công năng của dây PE, nếu gặp cá lớn thì vẫn đủ dây cho cá chạy. Dây mono thật sự rất tốt cho fighting vì nó giãn và cản nước, làm suy yếu cá.

Chinh phục cá Mú Thông tại Côn Đảo (tháng 10/2015) bằng dây Shimano Ocea EX8 #1.5

“Dây câu tiếp nhận mọi sự tác động của mọi kiểu dòng chảy trước khi action của cần và máy chạm đến con Jig, do đó, trước khi lo lắng về các loại mồi Jig, trọng lượng hay màu sắc, thậm chí trước khi mua một cần câu đắt tiền, hãy nên cân nhắc chọn cho mình một loại dây thật tốt, mảnh nhưng phải mạnh”, các chuyên gia Slow Pitch khuyến cáo.

(Còn tiếp)

Hoàng Quốc Trí

VietnamFishingReview

- Bài viết liên quan:
* Độc đáo Slow Pitch Jigging (phần 1)
* Độc đáo Slow Pitch Jigging (Phần 3)
* Độc đáo Slow Pitch Jigging (Phần 3)