Độc đáo Slow Pitch Jigging (phần 1)

Sep 13, 2015 07:38:57

Thế giới jigging muôn hình vạn trạng, ngoài Slow Pitch đã được đề cập, điểm qua những môn jigging khác có nhiều tín đồ nhất hiện nay như Hi-speed jigging, Micro Jigging… dễ nhận thấy mỗi kiểu đều có những nét đặc thù.

Ví như Hi-speed jigging, kiểu câu có từ thời chưa phát minh ra dây PE, cũng thêm một vài biến thể nhưng thao tác cơ bản là quay máy nhanh, giật lên nhanh kết hợp với thường xuyên tạm ngừng. Cần câu Hi-speed thường có action fast và regular. Mức nâng cần từ mặt nước chỉ tối đa 45 độ. Máy câu có thể dùng spinning hoặc everhead. Mồi jig thường dài hoặc cỡ trung, đầu nhọn.

Micro Jigging lại khác. Xuất thân từ trò chơi shore casting ( quăng từ bờ) loại mồi bằng kim loại siêu nhỏ, dài chỉ vài cm, bắt các loài cá nhỏ ven bờ, dần dần, micro jigging được đưa ra biển lớn và là một trong những môn câu được nhiều người yêu thích. Câu thủ câu micro jigging ngày nay đã dùng mồi jig lớn hơn nhưng vẫn không quá 5cm, thường được làm bằng kim loại Tungsten có trọng lượng khoảng 40g hoặc lớn hơn chút ít. Kỹ thuật của micro cơ bản rất giống với Hi-speed kèm theo nhiều động tác lắc, giũ cần. Cần micro jigging thường có action regular. Mức nâng cần đạt từ 0-45 độ so với mặt nước. Máy câu spinning cũng được chọn sử dụng.

Nhìn chung, các môn câu này đều khá đơn giản. Người câu có thể dùng những chiếc cần jig, máy spinning, dây nylon, PE có sẵn là có thể ứng dụng được. Họ cũng có thể tự chế mồi Jig, lưỡi Jig theo ý mình.

Riêng môn Slow Pitch, nếu đi sâu vào từng chi tiết ta sẽ thấy bí mật của nó, 80%, nằm ở dụng cụ. Cái hay của Slow Pitch Jigging là mọi kết hợp đều có lý do. Linh hồn của trò chơi luôn được tuân thủ, dẫn đường cho những nguyên lý thiết kế dụng cụ câu. Từ những yêu cầu thiết kế đặc biệt cho cần, máy, dây, mồi, lưỡi câu, mà ta sẽ lần lượt tìm hiểu sau đây, dễ nhận ra Slow Pitch Jigging luôn đề cao sự hoàn hảo, cầu kỳ, độ “hi-end” của trò chơi.

Có lẽ Sato Sensei, cha đẻ của môn câu này không muốn bị trộn lẫn trong thế giới jigging vốn đã quá phong phú và đa dạng. Ông không những mang lại một kỹ thuật jigging mới mẻ, sáng tạo, đầy thách thức, phá vỡ những lề thói cũ, mà còn nghiên cứu, hoặc gợi ý chế tác ra những dụng cụ câu đậm chất khoa học và nghệ thuật. Chính chúng đã góp phần tạo ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng của slow pitch jigging. Chính chúng đã góp phần làm cho giấc mơ đi tới tận cùng, khám phá tận cùng trong lĩnh vực này của nhiều người thành sự thật. Và Sato Sensei luôn xứng đáng là một người dẫn đường.

Độc đáo cần Slow Pitch
Giống như tên gọi, Slow Pitch - Slow là đi chậm, pitch là một lượt quay máy, nói nôm na nghĩa là chuyển động lên xuống của cần thật chậm rãi trong một vòng quay thu dây. Đây là một kỹ thuật jigging hướng đến mục tiêu ít tiêu hao sức lực nhất cho câu thủ, hiệu quả với nhiều loại cá, làm cho những con cá lười biếng nhất cũng phải ăn mồi. Kỹ thuật căn bản dựa vào cần và máy để trình diễn chính xác hành động cho mồi Jig nhằm thực thi nhiệm vụ một cách đúng đắn nhất. Vì thế, cần, máy, dây, mồi chuẩn là điều kiện cần có để câu Slow Pitch thành công. Cần Slow Pitch chuẩn phải đạt các yêu cầu về chất liệu (carbon cao cấp), phải được chế tác hết sức công phu và kỹ lưỡng để có độ nhạy cực cao, có sức bật hoàn hảo, đường kính nhỏ, vách cần mỏng, khi cong thì cong đều cả cần, khi nảy thì nẩy cả cần, nẩy phải chậm nhưng đầy sức mạnh.

Chinh phục cá Hồng Bạc 9.5kg tại Côn Đảo, tháng 8/2015.
Thiết bị: Cần Poseidon 603-4; Máy Ocea Jigger Limited Edition 1501HG; Dây Ocea EX8 #2.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chọn được một loại cần đạt chuẩn mà không bỏ qua yếu tố giá? Về cơ bản, cần Slow pitch phải nhạy, khéo léo nhận biết mọi thứ đang diễn ra xung quanh,  ngay khi thả mồi xuống, đã phải cảm nhận được sự di chuyển của dây qua lòng khoen, sự chuyển động của Jig trong làn nước, cùng mọi tác động đến mồi từ môi trường như sự va chạm của rác, của cá, dù rất nhỏ. Cần đạt chuẩn được thiết kế để nhạy trong từng chi tiết, từ chất liệu thân cần (blank), chất liệu khoen, số lượng và vị trí khoen, số vòng cùng đường kính của chỉ quấn ở các chân khoen, chất liệu sơn phủ lên toàn bộ cần, chất liệu bát máy …tất cả đều được kiểm soát. Nhiều người nghĩ đơn giản rằng lớp sơn phủ cần chỉ có tác dụng làm cần câu bóng, đẹp nhưng thực chất không hẳn như vậy. Đây là loại sơn phủ đặc biệt, không chỉ làm bóng mà còn chống thấm nước vào carbon, giúp bảo vệ cần câu trước những khắc nghiệt của nắng mặt trời, nước mặn, làm tăng sức mạnh và độ nhạy cho cần… Mục đích cuối cùng vẫn là để cho người câu “nghe” được mọi chuyển động của mồi Jig. Cần phải thanh mảnh, nhẹ nhưng phải chắc chắn và vững chãi. Chất liệu carbon cao cấp có vai trò lớn trong việc cung cấp độ nhạy cao, chúng mềm mại dễ uốn cong nên khó gãy nhưng lại đủ cứng, đủ mạnh, dẻo dai để có thể dễ dàng trình diễn những con mồi jig bằng kim loại, giúp chúng quyến rũ, tự nhiên như những chú cá con ngờ nghệch cũng như fighting với cá.

Về khả năng tương thích với môi trường câu, những cây cần đạt chuẩn thường có dải mồi rộng, hoạt động tốt trong nhiều loại dòng chảy. Đó cũng là điều mà cần câu Jig rẻ tiền thường thiếu, và khi gặp các tình huống khó như nước chảy quá mạnh, dòng chảy phân thành nhiều tầng hoặc nước sâu thì chúng gặp khó khăn (nước kéo cần xuống, khả năng bật ngược trở lại của loại cần rẻ yếu). Cần đạt chuẩn cũng khai triển được nhiều chiến thuật hơn cho dù người câu thao tác nhanh hay chậm, mềm mại hay mạnh mẽ. Hiện nay tại Nhật Bản, chính thức chỉ có khoảng 10 nhà làm blank cần, còn lại đa phần blank được làm ở hải ngoại. Cần “made in Japan” thường đắt tiền nhưng giá trị của nó tương ứng với giá cả. Cũng có nhiều loại cần Slow Pitch của hãng Nhật làm tại hải ngoại có giá thành tốt, chất lượng khá, chắc chắn. So với cần Slow Pitch cao cấp, chúng có thể cong ít hơn, đàn hồi ít hơn, độ nẩy nhanh hơn (nhưng không mạnh bằng). Nếu chỉ bắt cá ở vùng nước nông (từ 30-60 mét) thì cũng khó mà cảm nhận rõ ràng sự khác biệt, do vậy, để tiết kiệm chi phí, người mua hàng thông thái không ngần ngại chọn cho mình loại cần Slow Pitch cao cấp cho mực sâu từ 100 mét trở lên, còn ở những khu vực có mực nước thấp dưới 60 mét thì tùy nghi, chọn mua loại cần Slow Pitch phổ thông cũng được.

Cá Mú 3.5kg bắt bằng Cần Poseidon 603-4;
Máy Ocea Jigger Limited Edition 1501HG; Dây Ocea EX8 #2 tại Côn Đảo, tháng 8/2015

Như đã nói ở trên, kỹ thuật Slow Pitch đã định hướng những chuẩn mực cho thiết kế dụng cụ câu. Thao tác trong Slow Pitch jigging rất khoan thai, chính vì vậy cần câu cũng phải thích ứng với hành động này. Chất liệu đặc biệt của cần Plow Pitch chuẩn cho phép câu thủ bật cần lên đến 180 độ. Nhưng cũng chính kết cấu đặc thù của cần Slow Pitch khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, vì “chúng quá mềm, lùng nhùng khó câu”. Đó là do người câu dùng cần Slow Pitch để câu kiểu jigging khác, chưa chọn đúng thông số cần hoặc chưa nắm được nguyên tắc bắt cá của kỹ thuật này.

Cần Slow Pitch tách bạch rõ ràng năng lực điều khiển một con jig 200gram nhảy múa và khả năng nâng lên khỏi mặt nước con cá nặng 5kg, thậm chí 20kg. Cần Slow Pitch chỉ cần đảm trách tốt việc điều khiển Jig, dụ cho được cá, còn việc mang cá về thì san bớt một phần trách nhiệm cho máy câu, hai nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau này không thể dồn hết cho cần. Do đó, khi chiến đấu chống lại sức mạnh của con cá, người câu Slow Pitch được khuyên là không bật/ xóc đầu cần như trong các kiểu câu khác. Có thể nâng đầu cần lên chút ít để bớt cảm giác căng, để biết đủ thông tin ở phía con cá nhưng tuyệt đối không kéo nâng cá lên. Nghe có vẻ lạ tai vì xóc cần khi dòng cá là một trong những bài học đầu tiên của một câu thủ. Công bằng mà nói, kiểu xóc cần truyền thống này có rất nhiều lợi ích.

Thứ nhất, người câu có thể tận dụng sức mạnh của toàn bộ cơ thể để xóc cần nâng cá. Thứ hai, cần câu cùng sức bật của nó sẽ làm triệt tiêu sự vẫy vùng của cá và nâng nó lên. Thứ ba, với cần/ máy spinning (còn gọi là máy đứng), phải có đà quay mới có sức mạnh (nó không có nhiều lực khi rotor mới bắt đầu quay), cho nên, bằng thao tác nâng cần lên, hạ cần xuống (kết hợp quay máy thu dây), câu thủ đang cho mình thêm thời gian để quay máy tạo sức mạnh (nghĩa là nếu câu bằng cần/ máy spinning thì khó mà quay máy nếu không nâng-hạ cần). Tuy nhiên, kỹ thuật này cũng làm khó câu thủ trong trường hợp cần câu không cân bằng với con cá, mảnh quá thì khó nâng còn cứng quá thì cá sẩy; thao tác xốc mạnh cần nâng cá cũng làm tiêu hao nhiều sức lực.

Slow Pitch Jigging có kiểu fighting hoàn toàn khác: Cắm đầu cần xuống nước. Sở dĩ làm được điều này vì nguyên lý thiết kế cần căn bản là đã đáp ứng được kỹ thuật fighting trên. Cần được thiết kế để phù hợp hoàn toàn cho việc điều khiển jig múa lượn theo chiều thẳng đứng mà không ưu tiên cho vấn đề fighting cá bằng cách nâng cần. Vai trò nâng cá, đưa về tàu được giao cho máy câu, và cắm mũi cần xuống là để cho máy câu làm công việc của mình. Khi đó, câu thủ rất thư thái, khoan thai trong hành động, đặt chuôi cần dưới nách, tay nắm máy một cách nhẹ nhàng, (không cần thiết phải giữ chặt lấy máy), quay máy đều tay, vững vàng và bình tĩnh. Khi cá được nâng lên nhẹ nhàng, con cá sẽ hợp tác một cách vô thức mà không quá vùng vẫy, chống cự. Nếu xốc mạnh cần để nâng cá sẽ gây ra sự thay đổi đột ngột, làm kích thích cá và khiến nó điên cuồng. Khi con cá không điên, sẽ nâng cá lên nhanh hơn so với khi phải chiến đấu quyết liệt để thắng nó. Tự tin giao việc cho máy câu, đừng sợ bộ hãm không đủ tốt để có thể đối ứng với những tác động trực tiếp, vì khi bị mắc lưỡi, con cá luôn cách xa người câu ít nhất vài chục mét, cộng với một vài mét dây chùng và lực nâng của nước, những yếu tố này như lớp đệm đỡ cho những tác động khi fighting. Có nhiều phàn nàn rằng kiểu fighting này có thể khiến lưng bị tổn thương nhưng thực tế điều này là hoàn toàn không có cơ sở. Kỹ thuật fighting cắm đầu cần xuống là kỹ thuật giúp người câu ít mệt nhất và cá cũng trồi lên nhanh nhất, rất an toàn cho cần.

Có một lời khuyên nhỏ dành cho các câu thủ Việt Nam khi chọn mua cần Slow Pitch đó là nên cân nhắc điều kiện câu thực tế ở Việt Nam khi tham khảo những lời khuyên chung chung mà các chuyên gia Slow Pitch hướng dẫn. Những khuyến cáo của họ căn bản chỉ dựa trên điều kiện câu Slow Pitch tiêu chuẩn, nghĩa là câu bằng tàu câu chuyên nghiệp có dù neo (Parachute Ancher), buồm neo (Spanker), cùng hệ thống định vị, tầm ngư cực kỳ hiện đại, tàu được thả trôi khi jigging và câu từng chủng loại cá theo mùa. Thuyền trưởng cũng là người rất am hiểu về Slow Pitch, tùy theo tình hình hướng gió, dòng chảy, thời tiết, nhiệt độ, mùa, cá… mà họ sẽ dùng những loại cần khác nhau. Chất lượng của cần Slow Pitch chuẩn là không cần bàn cãi, nhưng nếu chọn không đúng sẽ câu không những không hiệu quả mà còn gây chán ngán cho người tham gia.

Cho ví dụ cụ thể: Cần Poseidon Slow Jerk 603-4 của Evergreen do chính Sato thiết kế dựa trên nguyên lý hoạt động của môn slow Pitch Jigging cũng do chính ông sáng tạo ra. Cần này có thể điều khiển mồi jig từ 300gram trở lên ở mực sâu 200 mét hoặc hơn. Thông số này khi mới xem sẽ thấy quá khủng, tạo cảm giác cần quá cứng, quá khỏe, không phù hợp với mực nước nông ở Việt Nam. Thế nhưng, vấn đề là thông số này chỉ có tác dụng khi có dù neo (Parachute Ancher), buồm neo (Spanker) và thả trôi khi câu. Trong điều kiện tàu neo như ở Việt Nam, cần phù hợp nhất vẫn là 603-4 chứ không phải 603-2 hay 603-3 như khuyến nghị của hãng. Mỗi hãng lại có một tiêu chuẩn về cần - mồi - nước khác nhau.

Chọn thông số cần (tương ứng với khả năng điều khiển trọng lượng trung bình của mồi Jig) đừng quan tâm đến kích thước cá mà nên xem xét kiểu action muốn có ở con mồi Jig, trong mực nước sẽ thả.

(Còn tiếp)

Hoàng Quốc Trí
VietnamFishingReview